iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Cơ Xương Khớp

icon

Thoái hóa đốt sống cổ là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Thoái hóa đốt sống cổ là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Thoái hóa đốt sống cổ là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Trong nhịp sống bận rộn ngày nay, thoái hóa cột sống cổ đã và đang trở thành một tình trạng ngày càng phổ biến, gây ra những cơn đau nhức, khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến năng suất lao động cũng như chất lượng cuộc sống. Trong bài viết dưới đây, Bệnh viện Đại học Phenikaa sẽ thông tin tới bạn cơ chế, nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Thoái hóa đốt sống cổ là gì?

Thoái hóa cột sống cổ (Cervical spondylosis), là một bệnh lý mạn tính phổ biến, đứng thứ 2 trong số những khớp thường bị thoái hóa nhất (13.96%), chỉ sau cột sống thắt lưng. Bệnh tiến triển theo thời gian, thường gặp ở người lớn tuổi và/hoặc liên quan đến tư thế vận động.

Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và/hoặc đĩa đệm ở cột sống cổ. Có thể gặp thoái hóa cột sống cổ ở bất kỳ đoạn nào, tuy nhiên hay gặp nhất là thoái hóa C5-C6 và C6-C7.

Thoái hóa cột sống cổ có thể gây ra các biến chứng cấp và mạn tính, dẫn đến tình trạng đau nhức, khó chịu, tê mỏi vùng cổ vai gáy cũng như ảnh hưởng tới khả năng vận động và chất lượng sống của người bệnh nếu không được chú ý phát hiện và điều trị kịp thời, tích cực.

Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng hao mòn sụn và xương ảnh hưởng đến khớp và đĩa đệm cổ

Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng hao mòn sụn và xương ảnh hưởng đến khớp và đĩa đệm cổ

Cơ chế bệnh sinh của thoái hóa cột sống cổ

Khi tuổi tác tăng lên, các cấu trúc xương, sụn, đĩa đệm của xương và sụn của cột sống, đặc biệt là cột sống cổ, sẽ dần bị hư hại, thoái hóa, gây ra một số thay đổi như sau:

  • Mất nước ở đĩa đệm (khô đĩa đệm): Đĩa đệm giữa các đốt sống hoạt động như lớp đệm. Đến độ tuổi 40, đa số đĩa đệm bắt đầu lỏng lẻo, theo thời gian khô và co rút lại, làm hao mòn/ mất cấu trúc khớp nối giữa các đốt sống cổ.cho các xương tiếp xúc nhiều hơn.
  • Thay đổi tư thế đột ngột: Các động tác, tư thế vận động/chịu lực không đúng cách tạo áp lực lớn, đột ngột lên cột sống cổ có thể gây ra các vi tổn thương hoặc tổn thương trực tiếp lên các cấu trúc cột sống cổ.
  • Hư hại đĩa đệm: Theo thời gian, đĩa đệm có thể bị bào mòn/trượt khỏi vị trí ban đầu dẫn đến tình trạng phồng, rách bao, thoát vị đĩa đệm, gây ra chèn ép tủy sống và rễ thần kinh.
  • Hình thành gai xương: Sự tổn thương của sụn khớp, đĩa đệm kích thích cơ thể phản ứng bằng việc tăng lắng đọng calci nhằm tăng khả năng chống chịu lực của xương đốt sống, dần dần dẫn đến hình thành gai xương. Lâu dài, gai xương phát triển kèm theo đốt sống lún, xẹp có thể khiến gai xương kích thích, chèn ép vào tủy sống và các rễ thần kinh.
  • Dây chằng tổn thương: Dây chằng phụ trách kết nối các cấu trúc xương với nhau có thể bị thoái hóa theo thời gian, làm giảm tính linh hoạt và khả năng vận động của cột sống cổ.
  • Tuổi tác: Quá trình lão hóa tự nhiên làm giảm độ đàn hồi và tính linh hoạt của đĩa đệm và các cấu trúc quanh đốt sống cổ và khớp.

Mất nước ở đĩa đệm là một trong những nguyên nhân gây ra thoái hóa đốt sống cổ

Mất nước ở đĩa đệm là một trong những nguyên nhân gây ra thoái hóa đốt sống cổ 

Đối tượng nguy cơ

Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống cổ, đặc biệt bệnh đang có dấu hiệu trẻ hóa đối tượng bệnh những năm gần đây, do ảnh hưởng từ công việc và lối sống ít vận động.

Tỷ lệ mắc thoái hóa đốt sống cổ đang có xu hướng trẻ hóa 

Tỷ lệ mắc thoái hóa đốt sống cổ đang có xu hướng trẻ hóa

Nguyên nhân chính của thoái hóa đốt sống cổ

Một số nguyên nhân gây thoái hóa cột sống cổ bao gồm:

  • Quá trình lão hóa: Thoái hóa cột sống cổ thường bắt đầu xuất hiện từ sau tuổi 40. Tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc bệnh càng tăng. Sự lão hóa (thoái hóa cột sống cổ nguyên phát) có liên quan chặt chẽ với tuổi.
  • Gen di truyền: Những người mang các bộ gen này thường có khiếm khuyết ở gen tổng hợp collagen và proteogycan là các thành phần cấu tạo chính của sụn khớp, đĩa đệm. Ngoài ra những người có cơ địa già sớm cũng xuất hiện thoái hóa cột sống cổ sớm.
  • Tổn thương cơ học: Những chấn thương trong sinh hoạt, lao động hoặc do tai nạn giao thông, đặc biệt những chấn thương không được sơ cứu nẹp cố định bảo vệ cột sống cổ đúng cách có thể gây tổn thương ở nhiều mức độ cho các cấu trúc cột sống cổ, thậm chí có thể dẫn đến mất hoàn toàn khả năng vận động cảm giác tứ chi.
  • Tăng tải trọng lên khớp: Những người thường xuyên làm việc nặng nhọc, ngồi làm việc máy tính, sử dụng điện thoại quá nhiều hoặc đứng quá lâu có nguy cơ cao bị mỏi khớp cổ. Tình trạng này kéo dài đẩy nhanh tốc độ mài mòn xương, tổn thương các cấu trúc khác của cột sống cổ dẫn đến thoái hóa.
  • Dị dạng bẩm sinh xương khớp: Các dị dạng bẩm sinh hệ xương khớp làm thay đổi diện tỳ nén bình thường của khớp và cột sống, vùng diện khớp bị tì nén nhiều hơn thì sụn khớp bị tổn thương sớm, làm khớp bị thoái hóa sớm hơn. Người có bất thường hệ xương khớp bẩm sinh hoặc xảy ra lúc trẻ sẽ dẫn đến thoái hóa khớp sớm và trầm trọng hơn bình thường.
  • Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng: Chế độ ăn thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết như sắt, canxi, D3 magie có thể góp phần vào nguy cơ thoái hóa cột sống cổ cũng như các bệnh xương khớp khác.
  • Thói quen tiêu thụ rượu, thuốc lá và các loại đồ uống có cồn cũng là những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh lý này.
  • Bệnh lý khác: Tuổi mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương thứ phát do nội tiết (bệnh thận mạn, hội chứng Cushing…)

Triệu chứng thường gặp của thoái hóa cột sống cổ

Đoạn cột sống cổ có cử động linh hoạt, cũng là đoạn cột sống thường bị thoái hóa, đứng vị trí thứ hai sau thoái hóa cột sống thắt lưng. Thoái hóa cột sống cổ cũng bao gồm tổn thương thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa sụn thân đốt sống và mô xương dưới sụn, thoái hóa khớp đốt sống.

Trong xương cột sống cổ còn có lỗ động mạch đốt sống để cho hai động mạch đốt sống cổ bên phải và bên trái đi lên thân não để tạo thành động mạch đốt sống thân nền. Vùng cột sống cổ còn rất giàu các hạch thần kinh giao cảm và cả mạng lưới thần kinh giao cảm quanh các động mạch.

Khi thoái hóa cột sống cổ các cấu trúc này có thể bị ảnh hưởng gây ra các triệu chứng lâm sàng phong phú. Thoái hóa cột sống cổ có thể gặp các hội chứng lâm sàng như:

  • Hội chứng cột sống cổ: Đau cột sống cổ, có điểm đau cột sống nhưng thường ít rõ ràng so với cột sống thắt lưng, co cứng cơ cạnh sống, lệch vẹo cột sống cổ. Có thể gặp hội chứng cột sống cổ cấp với đau cấp tính cột sống cổ, co cứng cơ cạnh cột sống mạnh khiến bệnh nhân bị lệch cổ về một bên và không quay được cổ sang bên đối diện.
  • Hội chứng chèn ép rễ thần kinh cổ: Có hai hội chứng thành phần là hội chứng cổ gáy khi các rễ C1 đến C3 bị chèn ép và hội chứng cổ vai cánh tay khi các rễ C4 đến C8 bị chèn ép.
  • Hội chứng chèn ép tủy cổ: Khi có thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ra sau hoặc các gai xương từ thân đốt sống phát triển về phía sau có thể gây chèn ép tủy cổ. Người bệnh bị yếu, liệt, rối loạn cảm giác tứ chi không đều tùy theo vùng tủy bị chèn ép.

Triệu chứng thường gặp ở thoái hóa đốt sống cổ là đau quanh xương bả vai lan xuống cánh tay và ngón tay

Triệu chứng thường gặp ở thoái hóa đốt sống cổ là đau quanh xương bả vai lan xuống cánh tay và ngón tay

  • Hội chứng thiếu máu não mạn tính hệ động mạch đốt sống thân nền: Các mỏ xương có thể gây hẹp lỗ động mạch đốt sống gây thiếu máu não vùng thân não, vùng não sau và tiểu não do động mạch thân nền và động mạch não sau chi phối. Biểu hiện như đau đầu vùng gáy, chóng mặt, ù tai, tiếng ve kêu trong tai, cơn sụp đổ (drop attack).

Thoái hóa đốt sống cổ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tuần hoàn máu lên não

Thoái hóa đốt sống cổ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tuần hoàn máu lên não

Các phương pháp chẩn đoán

Bác sĩ chuyên khoa sẽ trực tiếp thăm khám và đưa ra các chỉ định cận lâm sàng cần thiết cho người bệnh để đưa ra chẩn đoán xác định về tình trạng thoái hóa.

Thăm khám lâm sàng

Quá trình thăm khám, chẩn đoán được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, có thể phối hợp với bác sĩ chuyên khoa khác như bác sĩ nội thần kinh. Quy trình thăm khám lâm sàng thường bao gồm:

Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh, các triệu chứng đã có và hiện tại. Tiếp đó, bác sĩ sẽ thực hiện các thăm khám toàn diện, chuyên sâu như: kiểm tra điểm đau, kiểm tra phản xạ, đánh giá tình trạng yếu cơ hoặc mất cảm giác cũng như phạm vi chuyển động của cổ. Bác sĩ cũng có thể quan sát cách bệnh nhân di chuyển để xác định xem dây thần kinh và tủy sống có đang bị chèn ép, tổn thương quá mức hay không.

Chỉ định và đọc kết quả cận lâm sàng

Nếu nghi ngờ bệnh nhân có khả năng đã bị thoái hóa cột sống cổ, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:

  • Chụp X-quang: Là chỉ định thường quy đầu tiên giúp phát hiện các bất thường như gai xương, hẹp khe khớp do thoái hóa. Phương pháp này cũng có thể loại trừ một số nguyên nhân hiếm gặp và nghiêm trọng hơn như dị vật,khối u, hoặc gãy xương.
  • Chụp cắt lớp CT: Phim chụp cắt lớp vi tính cho phép chẩn đoán chính xác hơn những tổn thương rất nhỏ của sụn khớp và phần xương dưới sụn mà trên phim X-quang thường quy có thể không phát hiện thấy.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Giúp đánh giá toàn diện các thành phần giải phẫu của khớp, gồm: sụn khớp, đĩa đệm, dây chằng, gân cơ – cơ cạnh sống và hệ thống thần kinh chi phối, mạch máu nuôi.

Chụp X-Quang cột sống là phương pháp chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ phổ biến

Chụp X-Quang cột sống là phương pháp chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ phổ biến

Điều trị thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ là tình trạng cần được chú ý phát hiện, chẩn đoán, quản lý kịp thời và tích cực.

Nguyên tắc điều trị chung:

Không có thuốc điều trị khỏi được thoái hóa khớp, bao gồm cả cột sống cổ, chỉ có thể điều trị triệu chứng, làm chậm quá trình thoái hóa, phục hồi chức năng khớp và phòng bệnh bằng cách ngăn ngừa, hạn chế các tác động cơ học quá mức lên cột sống.

+ Làm giảm triệu chứng đau.

+ Duy trì, hoặc làm phục hồi chức năng của các khớp.

+ Hạn chế tối đa biến chứng, khuyết tật.

+ Tránh các tác dụng không mong muốn do dùng thuốc.

+ Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

+ Phối hợp điều trị: không dùng thuốc, thuốc uống, ngoại khoa (nếu cần thiết).

Điều trị không dùng thuốc

Là khuyến cáo điều trị đầu tay cho mọi thoái hóa khớp, phương pháp này ít tốn kém, ít tác dụng phụ không mong muốn. Hạn chế là cần thời gian, sự kiên trì theo chế độ của người bệnh cũng như chưa được nhiều bác sĩ và cả người bệnh quan tâm chú ý đúng mức.

Người bệnh sẽ được hướng dẫn, thiết kế các bài tập luyện và dụng cụ hỗ trợ riêng phù hợp với tình trạng bản thân, có thể trong khoảng thời gian nhất định hoặc duy trì lâu dài.

Điều trị bằng thuốc

Trong các đợt bệnh cấp, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng cụ thể của từng người bệnh để kê đơn dùng các loại thuốc uống/tiêm giúp giảm triệu chứng bệnh. Các loại thuốc có thể bao gồm thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau theo bậc giảm đau, và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm phong bế rễ thần kinh để điều trị triệu chứng.

Phẫu thuật

Các biện pháp điều trị ngoại khoa được chỉ định khi điều trị nội khoa không còn tác dụng, người bệnh bị hạn chế vận động nặng, khe khớp hẹp nặng, khớp bị biến dạng gây ra khuyết tật trung bình và nặng thì điều trị ngoại khoa sẽ được cân nhắc. Tùy vào tình trạng của người bệnh để chọn các biện pháp ngoại khoa khác nhau như: đục xương chỉnh trục, xử lý phần đĩa đệm bị thoái hóa/tổn thương…

Phương pháp này nhằm loại bỏ gai xương, giải phóng và xử trí đĩa đệm (rách bao, thoát vị…), giúp giảm áp lực cũng như giải phóng tủy sống và các dây thần kinh.

Phẫu thuật loại bỏ gai xương và đĩa đệm thoát vị giúp giảm áp lực lên tủy sống và dây thần kinh

Phẫu thuật loại bỏ gai xương và một phần đĩa đệm thoát vị giúp giảm áp lực lên tủy sống và dây thần kinh

Điều trị bằng vật lý trị liệu

Các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp kéo giãn cột sống và tăng cường lưu thông máu, giúp giải phóng các thần kinh, mạch máu bị chèn ép, qua đó giảm đau nhức, tê mỏi ở vùng cổ vai gáy.

Đây là một trong những phương pháp điều trị tốt và khá an toàn cho tình trạng đau, cứng mỏi cột sống và các nhóm cơ vùng cổ vai gáy. Các bài tập kéo giãn sẽ giúp cung cấp nhiều hơn không gian bên trong cột sống khi rễ thần kinh bị chèn ép, từ đó giúp giảm đau, tăng cường khả năng vận động cho người bị thoái hóa cột sống cổ.

Biện pháp phòng ngừa

Có nhiều biện pháp đơn giản và hiệu quả mà chúng ta có thể thực hiện để phòng ngừa thoái hóa cột sống cổ :

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Để đảm bảo sức khỏe cho hệ cơ xương khớp, đặc biệt là các đốt sống cổ, bạn nên thực hiện một chế độ ăn uống cân đối. Hãy chú trọng bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, D, E, K, beta carotene, chất béo không bão hòa Omega-3 và bioflavonoid.
  • Sử dụng dụng cụ bảo vệ: Để giảm thiểu nguy cơ chấn thương cho đốt sống cổ, một trong những nguyên nhân gây thoái hóa, bạn nên sử dụng các thiết bị bảo vệ phù hợp như đai an toàn khi tham gia thể thao, dây đeo khi lái xe hoặc giá đỡ khi tập gym.
  • Duy trì tư thế đúng trong sinh hoạt hàng ngày: Trong sinh hoạt hàng ngày, bạn cần chú ý để giảm áp lực lên cột sống cổ bằng cách giữ tư thế đứng thẳng, tránh khom lưng hoặc chùng vai, không mang vác vật nặng sai cách và không bật dậy đột ngột từ tư thế nằm.
  • Tăng cường vận động: Sự dẻo dai của các cơ, xương, khớp và dây chằng sẽ giúp củng cố sức khỏe cho cột sống. Do đó, bạn nên tích cực vận động và tập thể dục thường xuyên. Tuy nhiên trước khi bắt đầu các hoạt động thể thao, hãy kiểm tra sức khỏe xương khớp và tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn loại hình phù hợp.
  • Hạn chế thuốc lá và rượu bia: Thuốc lá có thể làm tổn hại đến xương khớp, trong khi rượu bia có thể gây rối loạn điện giải và mất nước, ảnh hưởng đến khả năng bôi trơn của dịch khớp. Vì vậy, bạn nên hạn chế thuốc lá và rượu bia để bảo vệ sức khỏe của xương khớp, đặc biệt là cột sống cổ.

Tăng cường vận động giúp củng cố sức khỏe cột sống

Tăng cường vận động giúp củng cố sức khỏe cột sống

Các câu hỏi thường gặp

Thoái hóa đốt sống cổ có chữa được không?

Dù không thể khôi phục hoàn toàn tình trạng thoái hóa cột sống cổ nhưng bạn có thể kiểm soát các triệu chứng thông qua việc tuân thủ liệu trình điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và thay đổi thói quen sống. Việc tập thể dục, thực hiện vật lý trị liệu và sử dụng thuốc phù hợp có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Những bài tập nào có lợi cho thoái hóa đốt sống cổ?

Các bài tập phù hợp có thể giúp giãn cơ ở lưng, vai và kéo giãn cột sống. Một số tư thế yoga như tư thế em bé, cây cầu, chó úp mặt, rắn hổ mang, châu chấu, tư thế núi, tư thế mèo và bò đều mang lại lợi ích.

Ngoài ra, các bài tập tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ trung tâm và cơ chân như ngồi dựa tường, plank và nâng chân cũng rất có ích để hỗ trợ lưng. Bạn cũng có thể cải thiện độ linh hoạt và giảm căng cơ ở vùng cổ, vai và ngực thông qua các động tác như làm hai cằm, cuộn vai và giãn cơ ở góc tường. Đi bộ cũng là một hoạt động tuyệt vời vì ít gây va chạm và giúp tăng cường mật độ xương.

Trước khi bắt đầu các bài tập, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để đảm bảo rằng chúng phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Thoái hóa đốt sống cổ nên bổ sung gì?

Để hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống cổ, việc bổ sung một chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất quan trọng. Nên tập trung vào các thực phẩm dưới đây:

  • Thực phẩm giàu omega-3: Cá hồi, hạt chia (giảm viêm).
  • Thực phẩm giàu canxi: Sữa, sữa chua, rau xanh (tăng cường sức khỏe xương).
  • Vitamin D: Ánh nắng mặt trời, trứng, nấm (hỗ trợ hấp thụ canxi).
  • Vitamin C và E: Trái cây, rau củ (bảo vệ tế bào và hồi phục).
  • Nước: Uống đủ nước (duy trì độ ẩm cho đĩa đệm và khớp).

Thoái hóa cột sống cổ là một bệnh lý phổ biến gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Hãy chú ý áp dụng các biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả để duy trì sức khỏe cột sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu cần hỗ trợ thêm về bệnh hãy liên hệ hoặc tới Bệnh viện Đại học Phenikaa ngay nhé.

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

  1. Cervical spondylosis – Symptoms & causes – Mayo Clinic. (2023, November 18). Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cervical-spondylosis/symptoms-causes/syc-20370787
  2. Cervical spondylosis (Arthritis of the neck) – OrthoInfo – AAOS. (n.d.). https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/cervical-spondylosis-arthritis-of-the-neck/
  3. Professional, C. C. M. (n.d.). Cervical spondylosis. Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17685-cervical-spondylosis
  4. Delgado, A. (2024, January 19). Cervical spondylosis. Healthline. https://www.healthline.com/health/cervical-spondylosis
  5. Cervical spondylosis, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cervical-spondylosis
right

Chủ đề :