iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Tâm Thần

icon

Thoái hóa thần kinh là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Thoái hóa thần kinh là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Thoái hóa thần kinh là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Thoái hóa thần kinh là một nhóm bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, dẫn đến sự suy giảm chức năng của các tế bào thần kinh và có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Cùng Bệnh viện Đại học Phenikaa khám phá các dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân gây bệnh, phương pháp chẩn đoán, các cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả qua bài viết.

Thoái hóa thần kinh là gì?

Bệnh thoái hóa thần kinh là tình trạng mà các bộ phận của hệ thần kinh, đặc biệt là não, bị tổn thương và suy yếu theo thời gian. Tình trạng này thường diễn tiến chậm, các triệu chứng thường không xuất hiện cho đến khi người bệnh đã lớn tuổi.

Thuật ngữ "thoái hóa thần kinh" không chỉ đề cập đến một loại bệnh duy nhất, mà là một khái niệm chung cho nhiều loại bệnh khác nhau về thần kinh.

Bệnh thoái hóa thần kinh làm suy yếu các bộ phận của hệ thần kinh 

Bệnh thoái hóa thần kinh làm suy yếu các bộ phận của hệ thần kinh 

Các loại bệnh thoái hóa thần kinh

Bệnh thoái hóa thần kinh bao gồm nhiều loại khác nhau, mỗi loại có đặc điểm và triệu chứng riêng. Những bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động và chức năng nhận thức mà còn tác động nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, điển hình như:

Bệnh liên quan đến mất trí nhớ 

Bệnh liên quan đến mất trí nhớ là những bệnh làm tổn thương dần dần nhiều khu vực trong não, khiến cho các tế bào thần kinh ở đó chết đi. Các triệu chứng của bệnh có thể khác nhau, tùy thuộc vào khu vực trong não bị ảnh hưởng. Một số bệnh trong nhóm này bao gồm:

  • Bệnh Alzheimer.
  • Mất trí nhớ trán thái dương.
  • Bệnh não chấn thương mãn tính (CTE).
  • Mất trí nhớ thể Lewy.
  • Bệnh não TDP-43 liên quan đến tuổi (LATE).

Bệnh mất myelin

Mất myelin là những bệnh liên quan đến việc tổn thương hoặc mất đi lớp myelin, là lớp bảo vệ bao quanh các tế bào thần kinh. Khi lớp myelin bị phá hủy, khả năng truyền tín hiệu thần kinh sẽ bị ảnh hưởng. Một số ví dụ về bệnh trong nhóm này bao gồm:

  • Bệnh đa xơ cứng (MS).
  • Rối loạn phổ viêm tủy thị thần kinh (NMOSD).

Bệnh Parkinson

Parkinson xảy ra do tổn thương các tế bào thần kinh trong não, ảnh hưởng đến khả năng phối hợp và kiểm soát chuyển động. Bao gồm bệnh Parkinson và các dạng khác của bệnh này.

Bệnh thần kinh vận động

Bệnh thần kinh vận động là những bệnh xảy ra khi các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm điều khiển chuyển động của cơ thể bị chết. Khi các tế bào này không còn hoạt động, khả năng vận động sẽ bị ảnh hưởng. Một số ví dụ về bệnh trong nhóm này bao gồm:

  • Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS, hay còn gọi là "bệnh Lou Gehrig").
  • Bệnh liệt trên nhân tiến triển (PSP).

Bệnh Prion

Đây là loại bệnh do protein sai lệch gây ra, dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng trong thời gian ngắn. Bệnh Creutzfeldt-Jakob là bệnh phổ biến nhất trong nhóm này, thường không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp có thể do di truyền với thời gian sống sót từ một đến mười năm.

Triệu chứng thường gặp của thoái hóa thần kinh

Các bệnh thoái hóa thần kinh có nhiều triệu chứng chung. Theo thời gian các triệu chứng sẽ tiến triển nặng hơn. Một số triệu chứng của bệnh thoái hóa thần kinh bao gồm:

  • Suy giảm chức năng thần kinh: Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc tư duy, tập trung và đưa ra quyết định. Do đó thường dẫn đến những khó khăn trong công việc và các hoạt động hàng ngày.
  • Mất kiểm soát cơ bắp: Nhiều bệnh thoái hóa thần kinh gây ra sự suy yếu hoặc co cứng cơ bắp, làm cho việc di chuyển trở nên khó khăn. Người bệnh có thể gặp phải hiện tượng run rẩy hoặc không thể phối hợp các cử động một cách chính xác.
  • Mất nhiều thời gian hơn để học các kỹ năng mới: Khả năng học hỏi và tiếp thu thông tin mới sẽ giảm sút. Người bệnh có thể cảm thấy khó khăn trong việc nhớ lại các kỹ năng đã học hoặc áp dụng chúng vào thực tế.
  • Mất trí nhớ: Một trong những triệu chứng phổ biến là mất trí nhớ, từ việc quên những sự kiện gần đây đến việc không nhớ được thông tin quan trọng trong quá khứ. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày và gây ra sự lo lắng cho người bệnh và gia đình.
  • Sự mất phương hướng: Người bệnh có thể cảm thấy mất phương hướng không chỉ về không gian mà còn về thời gian, dẫn đến việc không nhận ra nơi mình đang ở hoặc không nhớ được ngày tháng.
  • Làm ảnh hưởng cảm xúc, tính cách: Cảm xúc của người bệnh có thể trở nên yếu ớt hoặc không còn mạnh mẽ như trước, khiến họ khó cảm nhận niềm vui, nỗi buồn hay sự hạnh phúc.
  • Rút lui khỏi xã hội: Khi các triệu chứng tiến triển, nhiều người bệnh có xu hướng tránh xa các hoạt động xã hội và ngại giao tiếp với người khác, dẫn đến cảm giác cô đơn và tách biệt.
  • Ảo giác: Một số người có thể trải qua ảo giác, tức là cảm thấy hoặc thấy những điều không có thực, gây ra sự hoang mang và lo lắng.
  • Ảo tưởng: Người bệnh có thể có những niềm tin sai lệch không dựa trên thực tế, ví dụ như tin rằng người khác đang theo dõi hoặc hãm hại họ.
  • Trầm cảm: Tình trạng thoái hóa thần kinh có thể dẫn đến các triệu chứng trầm cảm, như cảm giác buồn bã, mất hứng thú với những hoạt động từng yêu thích, và cảm thấy tuyệt vọng.
  • Trải qua những suy nghĩ và cảm xúc không mong muốn: Người bệnh có thể phải đối mặt với những suy nghĩ tiêu cực hoặc cảm xúc khó chịu mà họ không thể kiểm soát, gây ra sự căng thẳng và lo âu.

Bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển theo thời gian và không ngăn chặn được

Bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển theo thời gian và không ngăn chặn được

Nguyên nhân chính gây ra thoái hóa thần kinh

Thoái hóa thần kinh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:

Tổn thương thần kinh

Các bệnh thoái hóa thần kinh thường do tổn thương các tế bào thần kinh trong não. Tế bào thần kinh là những tế bào tạo nên hệ thần kinh, bao gồm não và tủy sống. Khác với nhiều bộ phận khác trong cơ thể, khi một tế bào thần kinh bị tổn thương sẽ không thể tự phục hồi. Khi con người già đi, nhiều tế bào thần kinh sẽ chết đi, dẫn đến sự co lại của não. Khi các tế bào này chết, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng ảnh hưởng đến chức năng tinh thần, vận động cùng khả năng hô hấp hoặc nói.

Các bệnh thoái hóa thần kinh thường do tổn thương các tế bào thần kinh trong não

Các bệnh thoái hóa thần kinh thường do tổn thương các tế bào thần kinh trong não

Yếu tố môi trường và di truyền

Nguyên nhân gây ra thoái hóa thần kinh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên có thể do sự kết hợp giữa các yếu tố môi trường và di truyền. Ví dụ, việc tiếp xúc lâu dài với độc tố hoặc một số hóa chất có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Trong một số trường hợp, gen đột biến có thể được di truyền từ người thân, khiến bạn có nguy cơ cao mắc bệnh thoái hóa thần kinh.

Protein bất thường

Các protein bất thường trong não cũng được cho là có liên quan đến nhiều bệnh thoái hóa thần kinh. Những protein này có thể gây ra cái chết của các tế bào thần kinh. Chẳng hạn, trong bệnh Alzheimer, protein beta-amyloid được liên kết với sự phát triển của bệnh. Một loại protein bất thường khác là synuclein, thường thấy ở những người mắc bệnh mất trí nhớ thể Lewy, bệnh Parkinson và teo cơ đa hệ thống.

Đối tượng nguy cơ

Những đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc thoái hóa thần kinh bao gồm:

  • Người lớn tuổi: Tuổi tác là một yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa thần kinh. Khi con người già đi, các tế bào thần kinh dần yếu đi và khả năng tái tạo giảm, dẫn đến tổn thương tích tụ gây suy giảm chức năng não.
  • Phụ nữ: Nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc một số bệnh thoái hóa thần kinh cao hơn, như bệnh Alzheimer. Một trong số nguyên nhân có thể liên quan đến sự thay đổi hormone trong giai đoạn mãn kinh.
  • Người mắc bệnh lý mãn tính: Những người có các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường và bệnh tim mạch có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa thần kinh cao hơn. Những tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn và cung cấp oxy cho não, dẫn đến tổn thương tế bào thần kinh.
  • Người làm việc trong môi trường độc hại: Những người làm việc trong các ngành nghề tiếp xúc với chất độc hại như kim loại nặng, bụi bẩn và ô nhiễm môi trường. Các chất độc này có thể gây ra tổn thương tế bào thần kinh và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thoái hóa thần kinh.
  • Người phơi nhiễm sớm với virus: Việc tiếp xúc với một số loại virus, đặc biệt là trong những năm đầu đời, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa thần kinh ở giai đoạn sau này. Các bệnh nhiễm virus như viêm phổi do Chlamydia, Epstein-Barr, virus herpes và bệnh sởi thường liên kết với sự phát triển của các bệnh thoái hóa thần kinh.

Biến chứng thường gặp

Các bệnh thoái hóa thần kinh làm tổn thương một số bộ phận của não và hệ thần kinh. Khi tổn thương trở nên trầm trọng hơn, bạn sẽ mất đi khả năng mà các vùng bị tổn thương từng kiểm soát. Một số ví dụ về biến chứng thường gặp bao gồm:

  • Rối loạn vận động ảnh hưởng đến sức mạnh, tính linh hoạt, sự nhanh nhẹn và phản xạ của cơ thể. Từ đó dẫn đến nguy cơ té ngã và gãy xương của người bệnh sẽ tăng lên.
  • Rối loạn thần kinh vận động là một bệnh ảnh hưởng đến khả năng điều khiển cơ bắp, dẫn đến tình trạng yếu dần và tê liệt. Khi bệnh tiến triển và ảnh hưởng đến các cơ hô hấp, người bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh về phổi như viêm phổi và những vấn đề hô hấp khác. 
  • Ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng phán đoán và tư duy của người bệnh. Khi tình trạng trở nên trầm trọng hơn sẽ cần tới sự hỗ trợ chăm sóc từ người thân bởi dễ gặp phải nhiều rủi ro.

Bệnh thoái hóa thần kinh gây tổn thương não, rối loạn vận động, mất trí nhớ

Bệnh thoái hóa thần kinh gây tổn thương não, rối loạn vận động, mất trí nhớ

Các phương pháp chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh thoái hóa thần kinh là một quá trình quan trọng giúp xác định tình trạng và mức độ bệnh lý, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Với sự đa dạng của các triệu chứng và loại bệnh, việc chẩn đoán thường đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều phương pháp khác nhau. Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán phổ biến:

Thăm khám lâm sàng 

Chẩn đoán bệnh thoái hóa thần kinh khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bệnh nhân. Các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế có thể bắt đầu bằng một cuộc kiểm tra thần kinh đơn giản, bằng cách hỏi trực tiếp hoặc hỏi người thân của bệnh nhân về các triệu chứng và tiền sử bệnh của họ.

Thăm khám cận lâm sàng 

Để chẩn đoán các tình trạng thoái hóa thần kinh, bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm cụ thể như:

  • Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm: Các xét nghiệm máu và xét nghiệm di truyền có thể giúp chẩn đoán một số tình trạng thoái hóa thần kinh. Những xét nghiệm này cung cấp thông tin về sức khỏe tổng thể và các yếu tố di truyền có thể liên quan.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI): Các xét nghiệm hình ảnh này cho phép bác sĩ "nhìn thấy" bên trong não của người bệnh, giúp xác định liệu có tổn thương hoặc thay đổi nào không. 
  • Xét nghiệm mô bệnh học sau khi chết: Một số tình trạng thoái hóa thần kinh, như bệnh Pick hoặc bệnh não chấn thương mãn tính, không thể được chẩn đoán chính xác khi còn sống. Bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh nhân mắc những bệnh này, nhưng để xác nhận, họ cần xem xét mẫu não dưới kính hiển vi sau khi họ qua đời.
  • Các xét nghiệm khác: Tùy thuộc vào triệu chứng và tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác. Những xét nghiệm này thường đa dạng vì có liên quan đến các vùng não cụ thể bị ảnh hưởng bởi thoái hóa thần kinh. 

CT và MRI giúp chẩn đoán thoái hóa thần kinh, xác định tổn thương não

CT và MRI giúp chẩn đoán thoái hóa thần kinh, xác định tổn thương não

Phương pháp điều trị thoái hóa thần kinh

Hiện tại không có cách chữa khỏi cho tất cả các bệnh thoái hóa thần kinh. Do những bệnh này gây tổn thương cho các tế bào não và tình trạng này không thể ngăn chặn.

Một số bệnh thoái hóa thần kinh có thể được điều trị, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Một số có thể được điều trị trực tiếp, giúp bệnh nhân kiểm soát, hạn chế hoặc làm chậm tiến triển của bệnh. Trong khi đó, một số khác lại không thể điều trị trực tiếp, nhưng có thể điều trị các triệu chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Một số bệnh thoái hóa thần kinh có thể được điều trị, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra

Một số bệnh thoái hóa thần kinh có thể được điều trị, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra

Các phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào từng bệnh, do đó bác sĩ sẽ là người tốt nhất để tư vấn về phương pháp điều trị phù hợp. Họ sẽ cung cấp thông tin chính xác và liên quan nhất dựa trên tình trạng bệnh, tiền sử bệnh của bệnh nhân cùng nhiều yếu tố khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ thông báo về tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra, những điều cần lưu ý trong quá trình điều trị, bất kỳ cân nhắc nào khác mà bệnh nhân cần biết.

Biện pháp phòng ngừa

Các bệnh thoái hóa thần kinh thường xảy ra một cách bất ngờ và nguyên nhân của chúng vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Chính vì vậy hiện tại không có cách nào để phòng ngừa triệt để những bệnh này.

Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn các bệnh thoái hóa thần kinh nhưng có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh. Những biện pháp này chủ yếu tập trung vào việc giảm bớt các yếu tố nguy cơ gây tổn hại sức khỏe:

  • Chế độ ăn cân bằng: Chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe não bộ. Một chế độ ăn không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh. 
  • Duy trì hoạt động thể chất để cân bằng sức khỏe: Cân nặng và mức độ hoạt động thể chất cũng có ảnh hưởng đến não. Các vấn đề liên quan đến cân nặng, đặc biệt là các vấn đề về tuần hoàn như huyết áp cao và bệnh tiểu đường loại 2, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa thần kinh.
  • Đeo thiết bị an toàn: Chấn thương đầu, như chấn động não, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh. Sử dụng thiết bị bảo vệ, như mũ bảo hiểm, có thể giúp ngăn ngừa chấn thương và bảo vệ sức khỏe não bộ trong thời gian dài.
  • Thăm khám định kỳ: Việc này giúp phát hiện và kiểm soát các bệnh mãn tính có thể dẫn đến thoái hóa thần kinh, từ đó có thể điều trị hiệu quả hơn nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu.

Khám bác sĩ định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh lý thoái hóa thần kinh để điều trị kịp thời

Khám bác sĩ định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh lý thoái hóa thần kinh để điều trị kịp thời

Các câu hỏi thường gặp

Thoái hóa thần kinh là một vấn đề sức khỏe phức tạp, gây ra nhiều lo ngại cho bệnh nhân và gia đình. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này, dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi thường gặp liên quan đến thoái hóa thần kinh:

Bệnh thoái hóa thần kinh kéo dài bao lâu? 

Một khi đã phát triển, các bệnh thoái hóa thần kinh sẽ là tình trạng bệnh lý vĩnh viễn, suốt đời.

Tôi phải chăm sóc bản thân như thế nào nếu tôi mắc bệnh thoái hóa thần kinh?

Nếu mắc phải bệnh thoái hóa thần kinh, việc tự chăm sóc bản thân có thể dễ dàng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên theo thời gian, bạn có thể cần sự hỗ trợ từ người khác để duy trì việc chăm sóc bản thân.

Khả năng tự chăm sóc và thời gian bạn có thể làm điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là tình trạng tiến triển của bệnh và liệu bản thân có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác hay không. Nói cách khác, nếu bệnh nặng hơn hoặc có thêm các vấn đề sức khỏe khác thì bạn có thể cần sự giúp đỡ nhiều hơn, để đảm bảo bản thân mình được chăm sóc đúng cách.

Tôi phải chăm sóc người thân mắc bệnh thoái hóa thần kinh như thế nào?

Nếu có người thân mắc bệnh thoái hóa thần kinh, cách chăm sóc họ phụ thuộc vào tình trạng bệnh, mức độ tiến triển và các yếu tố khác. Dưới đây là một số điều cần ghi nhớ:

  • Đối xử với họ bằng sự tôn trọng: Hãy nhớ rằng người bệnh vẫn là người thân của bạn, là người cần được bạn quan tâm, vậy nên đừng coi họ là gánh nặng.
  • Hỏi họ cần gì: Đôi khi, chỉ cần lắng nghe là đủ. Hãy hỏi người thân mình xem họ muốn bạn hỗ trợ ra sao.
  • Đề nghị giúp đỡ: Người thân có thể ngại nhờ vả. Những việc nhỏ như đi cùng họ đến gặp bác sĩ hay giúp việc nhà. Do đó, sẽ có thể tạo ra sự khác biệt lớn nếu như bạn trở thành một người sẵn sàng chịu lắng nghe và đồng hành cũng người bệnh.
  • Chăm sóc bản thân: Làm người chăm sóc cho bệnh nhân đôi khi có thể rất căng thẳng. Vì thế hãy đảm bảo bạn cũng chăm sóc sức khỏe của mình thật tốt nhé.

Thoái hóa thần kinh là một vấn đề sức khỏe phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều người. Khi nghi ngờ các dấu hiệu thoái hóa về thần kinh bạn cần thăm khám ngay để có biện pháp điều trị sớm nhất. Tới ngay Bệnh viện Đại học Phenikaa để thăm khám với đội ngũ Y Bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại. 

calendarNgày cập nhật: 24/01/2025

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

1. Neurodegenerative Diseases

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24976-neurodegenerative-diseases

2. Neurodegenerative Diseases: Symptoms and Treatment

https://www.verywellmind.com/what-are-neurodegenerative-diseases-5524683

right

Chủ đề :