Viêm màng não vô khuẩn là tình trạng viêm xảy ra ở các màng bao quanh não và tủy sống. Bệnh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày, đặc biệt là trẻ nhỏ. Hãy cùng tìm hiểu thêm nhiều thông tin về bệnh trong bài viết dưới đây để có cái nhìn rõ hơn về viêm màng não vô khuẩn.
Viêm màng não vô khuẩn là gì?
Viêm màng não vô khuẩn là tình trạng có viêm nhiễm ở các màng bao quanh não và tủy sống nhưng không do nhiễm khuẩn mà do nhiễm virus. Dịch não tủy (CSF) không chứa vi khuẩn, nhưng khi có sự gia tăng bạch cầu trắng (pleocytosis) trong dịch não tủy sẽ hình thành bệnh.
Bệnh này phổ biến ở trẻ em hơn so với người lớn và nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp ba lần nữ giới. Viêm màng não vô khuẩn thường là bệnh lành tính, có thể xảy ra quanh năm, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn vào mùa hè ở các khu vực có khí hậu ôn đới, biểu hiện lâm sàng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng miễn dịch của từng bệnh nhân.
Viêm màng não vô khuẩn không do nhiễm vi khuẩn mà chủ yếu do nhiễm virus
Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm màng não vô khuẩn
Viêm màng não vô khuẩn thường khởi phát với các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường. Những triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột trong vài giờ hoặc phát triển từ từ trong vài ngày và tiến triển âm thầm sau đó. Các triệu chứng phổ biến của viêm màng não vô khuẩn bao gồm:
- Sốt cao đột ngột: Đây là một trong những triệu chứng đầu tiên và rõ ràng nhất, thường là sốt cao liên tục.
- Cổ cứng: Sự cứng cổ khiến việc cúi đầu về phía trước trở nên khó khăn hoặc đau đớn.
- Đau đầu nghiêm trọng: Cơn đau đầu có thể rất mạnh và kéo dài, thường đi kèm với cảm giác không thoải mái.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa: Cảm giác buồn nôn thường kèm theo nôn mửa.
- Lúng túng hoặc khó tập trung trong công việc hoặc gặp khó khăn khi cần suy nghĩ.
- Co giật: Một số trường hợp có thể xuất hiện cơn co giật.
- Buồn ngủ hoặc khó tỉnh: Cảm giác buồn ngủ quá mức hoặc khó tỉnh dậy.
- Tăng nhạy cảm với ánh sáng, nhìn thấy ánh sáng có thể bị choáng, đau đầu.
- Không muốn ăn uống, nhạt/đắng miệng, không cảm thấy đói hoặc khát nước.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, triệu chứng có thể như sau:
- Sốt cao là triệu chứng rõ ràng nhất ở trẻ sơ sinh.
- Trẻ có thể khóc liên tục và không thể dỗ dành.
- Trẻ có thể trở nên buồn ngủ hoặc có biểu hiện kích động không bình thường.
- Trẻ khó tỉnh dậy hoặc không phản ứng nhanh nhạy như bình thường.
- Trẻ có thể không tỉnh dậy để ăn như thường lệ, vì không có cảm giác đói hay khát.
- Trẻ ăn ít hơn hoặc từ chối ăn.
- Trẻ bị nôn mửa liên tục.
- Trên đỉnh đầu của bé có vùng lồi lên, nhấn vào mềm.
- Cứng cổ và cơ thể là dấu hiệu của viêm màng não.
Viêm màng não vô khuẩn là bệnh lý khá nghiêm trọng với trẻ nhỏ
Nguyên nhân chính gây viêm màng não vô khuẩn
Viêm màng não vô khuẩn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả nhiễm trùng và không nhiễm trùng. Cụ thể như sau:
Nguyên nhân do nhiễm trùng
Virus: Cơ thể khi nhiễm các virus enterovirus như: coxsackie và ECHO, HSV-2, virus West Nile, virus varicella-zoster (VZV) có thể gây viêm màng não vô khuẩn. Các virus hô hấp (adenovirus, virus cúm, rhinovirus), virus quai bị, HIV, virus viêm màng não bạch huyết cũng liên quan đến tình trạng này.
- Nấm: Các nhiễm trùng nấm gây viêm màng não vô khuẩn có thể do Candida, Cryptococcus neoformans, Histoplasma capsulatum, Coccidioides immitis, Blastomyces dermatitidis.
- Ký sinh trùng: Các nguyên nhân ký sinh trùng bao gồm: Toxoplasma gondii, naegleria, neurocysticercosis, trichinosis và Hartmannella.
Nguyên nhân không nhiễm trùng
Bệnh hệ thống: Một số bệnh hệ thống có thể liên quan đến viêm màng não vô khuẩn, chẳng hạn như: sarcoidosis, bệnh Behçet, hội chứng Sjögren, lupus ban đỏ toàn thân và viêm mạc tự miễn với viêm mạc đa tạng.
- Do sử dụng thuốc: Viêm màng não vô khuẩn thường liên quan đến các nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), kháng sinh (sulfamid, penicillin), immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) và các kháng thể đơn dòng.
- U mạc: Viêm màng não do u mạc có thể liên quan đến sự lan truyền từ ung thư thể rắn hoặc bệnh lymphoma/leukemia.
- Vắc xin: Viêm màng não không vi khuẩn cũng có thể xảy ra sau khi tiêm các loại vắc xin nhất định, đặc biệt là vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị, rubella (MMR), sốt xuất huyết, dại, ho gà và vắc xin cúm, vắc xin phòng bệnh viêm màng não do vi khuẩn.
Các nguyên nhân khác
- Có nhiều nguyên nhân gây viêm màng não vô khuẩn bao gồm: Vi khuẩn lao, nấm, xoắn khuẩn, và các biến chứng do bệnh HIV.
- Một số tác dụng phụ của thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), kháng sinh (chẳng hạn như Trimethoprim-Sulfamethoxazole hoặc Amoxicillin), thuốc chống động kinh.
- Viêm màng não vô khuẩn có thể xảy ra như một biến chứng của các bệnh lý khác như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Lyme, bệnh giang mai, ung thư.
Đối tượng có nguy cơ mắc viêm màng não vô khuẩn
Viêm màng não vô khuẩn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn do yếu tố sinh lý, tình trạng sức khỏe hoặc lối sống. Cụ thể :
- Trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi và người cao tuổi có hệ miễn dịch kém hơn, làm tăng nguy cơ mắc viêm màng não vô khuẩn.
- Những người mắc các bệnh lý như HIV/AIDS hoặc những người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Người từng bị các bệnh lý như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Lyme, bệnh giang mai, ung thư.
- Người sống trong môi trường đông đúc hoặc không vệ sinh, bị ô nhiễm như: Nhà trẻ, ký túc xá, các cơ sở chăm sóc dài hạn thường có nguy cơ lây nhiễm cao hơn do sự gần gũi và tiếp xúc thường xuyên giữa các cá nhân.
- Người tiếp xúc với nguồn nhiễm virus, tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh viêm màng não do virus như: người chăm sóc, y bác sĩ, điều dưỡng,...
Các nhân viên y tế có nguy cơ cao nhiễm bệnh viêm màng não vô khuẩn
Biến chứng thường gặp của bệnh viêm màng não vô khuẩn
Khi mắc bệnh viêm màng não vô khuẩn, ngoài các triệu chứng chính ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh nhân có thể đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
Suy giảm hoặc mất hoàn toàn thị lực hay thính giác
Viêm màng não vô khuẩn có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên quan đến thị giác, thính giác, dẫn đến sự suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng nghe, nhìn. Những biến chứng này là do phản ứng viêm tấn công các cấu trúc thần kinh liên quan hoặc do tổn thương tế bào thần kinh trong não.
Giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung
Một số bệnh nhân có thể trải qua tình trạng giảm trí nhớ và khó khăn trong việc tập trung. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập, làm việc, thực hiện các hoạt động hàng ngày do tổn thương các vùng não chịu trách nhiệm về chức năng nhận thức.
Động kinh
Viêm màng não vô khuẩn có thể dẫn đến sự phát triển của các cơn động kinh. Đặc biệt là viêm sẽ ảnh hưởng đến các khu vực của não chịu trách nhiệm về việc kiểm soát hoạt động điện não. Các cơn động kinh gây ra các triệu chứng như co giật, mất ý thức và khả năng kiểm soát hành động của cơ thể.
Mất cân bằng, khó khăn khi đi lại
Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển và duy trì cân bằng do tổn thương các phần của hệ thần kinh trung ương có liên quan đến điều phối chuyển động. Những vấn đề này sẽ dẫn đến sự mất thăng bằng, dễ ngã và gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, điều khiển phương tiện giao thông, cầm nắm đồ vật,...
Viêm màng não vô khuẩn gây nhiều hệ lụy đến hệ thần kinh của bệnh nhân
Thay đổi hành vi, cảm xúc
Viêm màng não vô khuẩn có thể khiến bệnh nhân thay đổi về hành vi và cảm xúc, tính cách, dễ cáu kỉnh, lo âu hoặc trầm cảm. Họ cũng có thể gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các thông tin hoặc sự kiện, ảnh hưởng đến khả năng tương tác xã hội và làm việc.
Những biến chứng này không phải lúc nào cũng xảy ra và mức độ nghiêm trọng sẽ khác nhau tùy theo từng trường hợp và phản ứng của cơ thể đối với tình trạng viêm.
Điều quan trọng là bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị kịp thời để giảm thiểu nguy cơ và quản lý các biến chứng hiệu quả để thích nghi tốt với cuộc sống thường ngày sau bệnh.
Các phương pháp chẩn đoán viêm màng não vô khuẩn
Để chẩn đoán viêm màng não vô khuẩn, bác sĩ thường sử dụng một số phương pháp chẩn đoán chính sau đây:
Thăm khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, bao gồm triệu chứng đau đầu, chóng mặt, ... về mức độ và thời điểm gặp. Ngoài ra bác sĩ có thể hỏi về lịch sử bệnh lý và tiền sử bệnh, môi trường sống/ làm việc, các mũi vắc xin đã tiêm,... để có chẩn đoán tốt nhất.
Thăm khám cận lâm sàng
Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng cần thực hiện bao gồm:
- Chọc dịch não tủy (CSF): Để phân tích dịch não tủy, giúp xác định sự hiện diện của bạch cầu, nồng độ protein và glucose. Xét nghiệm này giúp phân biệt viêm màng não vô khuẩn với các dạng viêm màng não khác.
- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc tình trạng sức khỏe tổng thể.
- Chụp hình ảnh MRI hoặc CT scan để chẩn đoán, xác định sự thay đổi cấu trúc não và loại trừ các nguyên nhân khác.
Phương pháp điều trị viêm màng não vô khuẩn
Việc điều trị viêm màng não vô khuẩn thường tập trung vào việc giải quyết nguyên nhân cơ bản và giảm triệu chứng.:
Điều trị nội khoa
Sử dụng thuốc điều trị giúp giảm triệu chứng
- Không cần kháng sinh: Nếu kết quả xét nghiệm xác định bạn mắc viêm màng não vô khuẩn không bắt nguồn từ vi khuẩn thì việc sử dụng kháng sinh không cần thiết. Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc giảm triệu chứng tùy tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
- Thuốc kháng virus: Nếu viêm màng não vô khuẩn do virus, chẳng hạn như Herpes simplex, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus như Acyclovir để giúp kiểm soát nhiễm trùng.
- Thuốc kháng nấm: Trong trường hợp viêm màng não do nhiễm nấm, các thuốc kháng nấm như Fluconazole có thể được chỉ định để điều trị nhiễm trùng nấm.
- Viêm màng não do thuốc: Bác sĩ sẽ chỉ định ngừng sử dụng loại thuốc đó và thay thế bằng một loại khác không gây ra viêm màng não vô khuẩn.
Một số loại thuốc được kê bổ trợ cho bệnh nhân
- Steroid: Thuốc chống viêm như Dexamethasone được sử dụng để giảm phản ứng viêm trong cơ thể.
- Thuốc giảm đau và hạ sốt: Để kiểm soát cơn đau và hạ sốt, giảm triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân, bác sĩ khuyên dùng Paracetamol hoặc Ibuprofen.
Điều trị ngoại khoa
Việc điều trị viêm màng não vô khuẩn chủ yếu là nội khoa và chăm sóc tích cực. Tuy nhiên, trong trường hợp viêm màng não vô khuẩn là kết quả của chấn thương sọ não, các phương pháp ngoại khoa có thể cần được cân nhắc. Cụ thể trường hợp bệnh có sự tích tụ dịch não tủy hoặc tổn thương do chấn thương, các biện pháp phẫu thuật sẽ được thực hiện để điều chỉnh vấn đề và hỗ trợ quá trình hồi phục.
Điều trị viêm màng não vô khuẩn chủ yếu dùng thuốc nội khoa theo chỉ định tùy tình trạng bệnh
Biện pháp phòng ngừa viêm màng não vô khuẩn
Để giảm nguy cơ mắc viêm màng não vô khuẩn, bạn nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm như viêm màng não do virus quai bị, sởi, rubella (MMR) và vắc xin phòng cúm giúp giảm nguy cơ mắc viêm màng não vô khuẩn.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với các bề mặt có khả năng chứa virus.
- Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, có biện pháp chống lây nhiễm khi tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng nhiễm virus hoặc đang điều trị bệnh viêm màng não.
- Cải thiện môi trường sống, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn và virus.
- Tránh bơi hoặc uống nước bị ô nhiễm.
- Không ăn hải sản và thịt chưa nấu chín vì có thể chứa các vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh.
- Không uống sữa chưa tiệt trùng hoặc ăn các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
- Sử dụng thuốc chống côn trùng và che chắn cơ thể bằng cách mặc quần áo bảo vệ khi ra ngoài để tránh bị côn trùng cắn, điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua côn trùng.
- Ăn uống đầy đủ, tập thể dục để tăng cường sức khỏe tổng thể, sức đề kháng của cơ thể.
Tiêm đầy đủ vacxin là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh viêm màng não vô khuẩn
Các câu hỏi thường gặp
Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm màng não vô khuẩn?
Để giảm nguy cơ mắc viêm màng não vô khuẩn, bạn nên tiêm vắc-xin đầy đủ, luôn thực hành vệ sinh thực phẩm an toàn, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên. Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh và duy trì sức khỏe tổng thể cũng là những biện pháp quan trọng để phòng ngừa.
Viêm màng não vô khuẩn thường gây đau như thế nào?
Viêm màng não vô khuẩn thường gây đau đầu dữ dội, có thể lan xuống lưng và ảnh hưởng đến cổ, các chi, khiến việc cử động cổ, chân tay trở nên khó khăn. Cơn đau đầu thường kéo dài và không giảm ngay cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ.
Kết luận
Nếu không điều trị kịp thời, viêm màng não vô khuẩn gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực hoặc thính giác, khả năng tư duy và trí nhớ, khả năng vận động của người bệnh. Do đó, nếu bạn thấy có các dấu hiệu của bệnh, nghi ngờ mắc bệnh hãy liên hệ với PhenikaaMec để nhận được tư vấn, đặt khám và điều trị sớm, đồng thời luôn tuân thủ các biện pháp phòng ngừa bệnh cho mọi thành viên trong gia đình.