iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Tai Mũi Họng

icon

Viêm tai giữa ứ dịch là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Viêm tai giữa ứ dịch là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Viêm tai giữa ứ dịch là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Viêm tai giữa ứ dịch là tình trạng khá phổ biến, đặc biệt ở trẻ em. Trong đó chất lỏng tích tụ trong tai giữa mà không có dấu hiệu nhiễm trùng rõ ràng. Bệnh rất khó phát hiện do không có các triệu chứng cấp tính.Vậy làm sao để biết tình trạng bệnh, nguyên nhân do đâu, làm sao để điều trị tốt? Tất cả sẽ được giải đáp nhanh chóng qua những chia sẻ dưới đây!

Viêm tai giữa ứ dịch là gì?

Viêm tai giữa ứ dịch (Otitis Media with Effusion - OME) là tình trạng tai giữa chứa chất lỏng không kèm theo dấu hiệu nhiễm trùng. Đây là điểm khác biệt so với viêm tai giữa cấp tính (AOM). Dịch này có thể tích tụ ở tai giữa do cảm lạnh, đau họng hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.

 Viêm tai giữa ứ dịch là tình trạng tích tụ dịch không bị nhiễm trùng ở khoang tai giữa

Viêm tai giữa ứ dịch là tình trạng tích tụ dịch không bị nhiễm trùng ở khoang tai giữa

Bệnh lý này xảy ra khi dịch tích tụ trong tai giữa và ống Eustachian, tạo áp lực lên màng nhĩ, cản trở sự rung động bình thường. Điều này làm giảm khả năng truyền âm thanh và gây suy giảm thính lực. Viêm tai giữa ứ dịch có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tai của trẻ. Bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai và thường xảy ra sau một đợt viêm tai giữa cấp. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm thính lực ở trẻ nhỏ.

Thông thường, chất lỏng thường tự hết trong vòng 4 đến 6 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chất lỏng có thể tồn tại trong thời gian dài hơn và gây giảm thính lực tạm thời hoặc chất lỏng có thể bị nhiễm trùng (viêm tai giữa cấp tính).

Dấu hiệu nhận biết của viêm tai giữa ứ dịch 

Triệu chứng phổ biến nhất của viêm tai giữa ứ dịch chính là tình trạng nghe kém, dao động từ nhẹ đến trung bình.

Nghe kém kéo dài ở trẻ có thể gây chậm phát triển ngôn ngữ và ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Ví dụ, trẻ có thể không phát âm rõ ràng các từ.

Trẻ cũng có thể bị đau tai hoặc nghe thấy tiếng ù ù hoặc tiếng vo ve (ù tai), cảm giác đầy tai, nặng tai hoặc có tiếng lùng bùng trong tai khi nuốt.

Trẻ nhỏ có thể không nói được rằng chúng không nghe thấy, vì vậy bạn sẽ phải tìm kiếm các dấu hiệu của tình trạng này. Triệu chứng viêm tai giữa ứ dịch ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi có thể bao gồm các thay đổi trong hành vi của trẻ như:

  • Buồn ngủ.
  • Thiếu tập trung.
  • Muốn chơi một mình.
  • Không phản ứng khi bạn gọi tên.
  • Yêu cầu bạn lặp lại những gì bạn đã nói.
  • Muốn tăng âm lượng TV.
  • Nói to hơn.

Người bị viêm tai giữa ứ dịch thường nghe kém, đôi khi bị ù tai

Người bị viêm tai giữa ứ dịch thường nghe kém, đôi khi bị ù tai

Người bệnh cũng có thể cảm thấy nặng tai, ù tai khi nuốt. Màng nhĩ có thể thay đổi với màu hổ phách hoặc xám và bị co rút ở các mức độ khác nhau. Khi tai giữa bị ứ dịch, màng nhĩ có thể mất khả năng rung động trong các bài kiểm tra, đồng thời có thể quan sát thấy khí hoặc bọt khí qua màng nhĩ.

Nguyên nhân chính dẫn đến tai giữa viêm ứ dịch

Bệnh lý này xuất hiện có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân điển hình:

Viêm tai giữa cấp

Dù đây không phải là bệnh nhiễm trùng nhưng nó có thể liên quan đến nhiễm trùng tai. Khi tai bị nhiễm trùng, lượng dịch trong tai giữa tăng lên do phản ứng viêm. Sau khi nhiễm trùng hết, chất lỏng có thể vẫn tồn tại trong tai một thời gian, dẫn đến viêm tai giữa ứ dịch. 

Tắc vòi Eustachian

Vòi Eustachian bị tắc có thể gây tích tụ dịch trong tai giữa, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ra viêm ứ dịch. Các yếu tố có thể làm tắc vòi Eustachian bao gồm uống nước khi nằm ngửa, thay đổi áp suất không khí đột ngột (như khi hạ cánh máy bay hoặc di chuyển trên đường núi) hoặc khối u.

Vòi Eustachian bị tắc dẫn đến ứ dịch trong tai gây viêm

Vòi Eustachian bị tắc dẫn đến ứ dịch trong tai gây viêm

Dị ứng 

Các vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng đường hô hấp, cùng với các chất kích thích trong không khí như bụi, khói, đặc biệt là khói thuốc lá, có thể khiến tai giữa bị viêm ứ dịch. Những yếu tố này làm tăng sự tiết dịch trong tai giữa, dẫn đến tình trạng viêm. 

Tăng áp lực trong tai 

Sự thay đổi áp suất không khí có thể làm đóng ống Eustachian, gây cản trở việc thoát dịch trong tai giữa. Các tình huống làm tăng áp lực trong tai như đi máy bay, leo núi cao hoặc lặn sâu đều có thể góp phần gây ra bệnh.

Đối tượng nguy cơ

Viêm tai giữa ứ dịch là bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 6 tuổi. Cứ 5 trẻ em độ tuổi mầm non thì có một trẻ có thể bị viêm tai giữa thanh dịch tại một thời điểm. Khoảng 8 trong số 10 trẻ sẽ mắc tình trạng này trước khi trẻ được 10 tuổi.

Theo Cơ quan Nghiên cứu và Chất lượng Y tế, khoảng 90% trẻ em mắc phải bệnh lý này ít nhất một lần trước 10 tuổi. Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người lớn do đặc điểm của ống Eustachian. Ống này ngắn hơn và có lỗ nhỏ hơn, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn và nhiễm trùng.

Trẻ em dưới 10 tuổi có khoảng 90% nguy cơ mắc bệnh 

Trẻ em dưới 10 tuổi có khoảng 90% nguy cơ mắc bệnh 

Bên cạnh đó, ống Eustachian của trẻ được định hướng theo chiều ngang hơn so với người lớn, khiến chất lỏng khó thoát ra ngoài. Hơn nữa, trẻ em thường bị cảm lạnh nhiều hơn do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, điều này làm tăng nguy cơ tiết dịch trong tai giữa và nhiễm trùng.

Những ảnh hưởng của viêm tai giữa ứ dịch

Nếu không được điều trị đúng cách, viêm tai giữa ứ dịch dễ chuyển thành tình trạng mãn tính. Sự tích tụ dịch kéo dài và các đợt nhiễm trùng tái phát không chỉ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ở người lớn mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển và hành vi của trẻ nhỏ. 

Ảnh hưởng đến trẻ em

  • Chậm phát triển lời nói và ngôn ngữ: Tai giữa viêm ứ dịch có thể làm chậm quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ.
  • Học tập kém: Khả năng học tập có thể bị ảnh hưởng do suy giảm thính lực.
  • Rối loạn đọc: Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc đọc và viết.
  • Khó khăn trong việc giáo dục: Việc học tập và tiếp thu kiến thức có thể bị cản trở.
  • Vấn đề về hành vi: Trẻ có thể gặp các vấn đề về hành vi do khó khăn trong giao tiếp.

Trẻ mắc tai giữa viêm ứ dịch thường nghe chậm, màng nhĩ có thể biến dạng

Trẻ mắc tai giữa viêm ứ dịch thường nghe chậm, màng nhĩ có thể biến dạng

Ảnh hưởng chung đến cả người lớn và trẻ em

  • Biến dạng màng nhĩ: Màng nhĩ có thể bị thay đổi hình dạng.
  • Hoại tử xương con: Có thể xảy ra hoại tử các xương nhỏ trong tai giữa.
  • Xơ nhĩ: Tình trạng xơ hóa mô trong tai giữa.
  • U hạt cholesterol (cholesteatoma): Tạo thành u nang chứa cholesterol.
  • Nghe tiếp nhận kém: Suy giảm khả năng nghe do tổn thương thần kinh.

Một số phương pháp chẩn đoán viêm tai giữa ứ dịch

Để chẩn đoán chính xác mức độ bệnh, bác sĩ có thể tiến hành một số phương pháp sau:

Nội soi 

Phương pháp này sử dụng đèn soi tai hoặc máy nội soi để quan sát các thay đổi ở màng nhĩ như có màu hổ phách hoặc vàng đục, tăng sinh mạch máu ở đầu búa, màng nhĩ bị co rút, màng căng có dạng túi hoặc hòm nhĩ chứa dịch với mức nước hơi hoặc bọt khí. Màng nhĩ có màu xanh đặc trưng trong trường hợp viêm tai giữa tiết dịch nhầy. 

Thực hiện nội soi để kiểm tra, chẩn đoán tình hình bệnh

Thực hiện nội soi để kiểm tra, chẩn đoán tình hình bệnh

Đo nhĩ lượng 

Phương pháp này xác định sự hiện diện của dịch trong tai giữa bằng cách kiểm tra khả năng di động của màng nhĩ. Đây là bước kiểm tra khách quan và đáng tin cậy nhất để chẩn đoán viêm tai giữa ứ dịch ở mọi lứa tuổi, đồng thời hỗ trợ trong việc sàng lọc và theo dõi quá trình điều trị. 

Đo thính lực 

Được áp dụng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người trưởng thành, phương pháp này giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đo thính lực cũng được dùng để theo dõi sự tiến triển và hiệu quả điều trị. Mức độ suy giảm thính lực trung bình trong viêm tai giữa ứ dịch nhẹ là 23dB, trung bình là 29dB và nặng là 34dB.

Phương pháp điều trị tai giữa viêm ứ dịch

Điều trị viêm tai giữa ứ dịch cần được cá nhân hóa dựa trên nguyên nhân gây bệnh, thời gian mắc, mức độ nghiêm trọng của suy giảm thính lực và ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp. 

  • Viêm nhẹ, không biến chứng thường được điều trị bảo tồn bằng thuốc. 
  • Viêm mãn tính, tái phát nhiều lần hoặc có suy giảm thính lực nghiêm trọng cần được điều trị bằng phẫu thuật, đặc biệt là ở trẻ em để tránh ảnh hưởng đến ngôn ngữ và khả năng nói. 

Điều trị bảo tồn 

  • Thuốc kháng sinh: Đối với bệnh mãn tính, liệu trình kháng sinh kéo dài có thể kiểm soát nhiễm trùng hiệu quả.
  • Thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi: Sử dụng để giảm tắc nghẽn vòi Eustache, thường được dùng riêng lẻ hoặc kết hợp.
  • Thuốc loãng dịch nhầy: Có ích trong trường hợp tai giữa viêm ứ dịch có mủ, giúp làm loãng dịch và hỗ trợ thoát dịch qua vòi Eustache.
  • Thuốc steroid: Nếu nguyên nhân bệnh là do dị ứng, thuốc steroid có thể được chỉ định.

Ngoài ra, việc thực hiện các bài tập vùng họng như nhai kẹo cao su hoặc thổi bóng bay có thể giúp mở vòi Eustache, hỗ trợ thông khí cho tai giữa và tăng tốc độ hồi phục.

Điều trị bảo tồn viêm tai giữa ứ dịch bằng các loại thuốc kháng sinh

Điều trị bảo tồn viêm tai giữa ứ dịch bằng các loại thuốc kháng sinh

Phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật được áp dụng cho những trường hợp viêm tai giữa ứ dịch mãn tính, tái phát nhiều lần hoặc khi phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, đặc biệt khi suy giảm thính lực nghiêm trọng. 

Phẫu thuật nạo VA

Phẫu thuật nạo VA hoặc kết hợp với đặt ống thông khí, là phương pháp phổ biến trong điều trị bệnh. Nếu bệnh nhân có phì đại VA hoặc nhiễm trùng tại chỗ, việc nạo VA sẽ giúp cải thiện khả năng nghe rõ rệt. 

Đặt ống thông khí

Phương pháp này được xem là hiệu quả nhất đối với viêm tai giữa ứ dịch mãn tính, không đáp ứng điều trị bảo tồn. Chức năng chính của ống thông khí là giúp thông thoáng tai giữa, ngăn chặn sự tích tụ dịch. 

Ống thông khí thường được đặt ở góc phần tư dưới của màng nhĩ và có thể duy trì vị trí từ 6-12 tháng trước khi tự rơi ra. Phương pháp này không cần kết hợp với thuốc kháng sinh. Tuy nhiên thủ thuật đặt ống thông khí có thể gây ra một số biến chứng. Do đó đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao và công nghệ hiện đại để đảm bảo kết quả tốt nhất. 

Viêm tai giữa ứ dịch mãn tính, tái phát nhiều lầncần phải thực hiện các phẫu thuật

Viêm tai giữa ứ dịch mãn tính, tái phát nhiều lầncần phải thực hiện các phẫu thuật

Trong những trường hợp viêm tai giữa ứ dịch gây biến chứng, các phẫu thuật phức tạp hơn như mở xoang hay mở xương chũm có thể được chỉ định để giải quyết tình trạng bệnh.

Đeo máy trợ thính

Máy trợ thính có thể được sử dụng cho những trường hợp viêm tai giữa ứ dịch hai bên kéo dài gây suy giảm thính lực. Đặc biệt khi bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật do chống chỉ định hoặc các lý do sức khỏe khác. Đây là giải pháp hỗ trợ hiệu quả, giúp cải thiện khả năng nghe cho những người không thể can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật.

Một số biện pháp phòng tránh 

Để phòng ngừa bệnh lý này bạn có thể tham khảo và thực hiện một số các khuyến nghị sau:

  • Giữ tai sạch và khô: Đảm bảo tai luôn khô ráo, tránh để nước, dị vật hoặc côn trùng xâm nhập vào tai.
  • Ngăn ngừa các bệnh tai, mũi, họng: Tránh mắc các bệnh như viêm xoang, viêm amidan và viêm VA vì chúng có thể làm tăng nguy cơ viêm tai giữa ứ dịch.
  • Phòng ngừa cảm cúm và bệnh lây truyền: Hạn chế tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm có thể dẫn đến viêm tai giữa.
  • Khám bác sĩ khi có triệu chứng kéo dài: Nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường ở tai, mũi, họng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, cần đến bệnh viện để được thăm khám, đặc biệt là ở trẻ em.
  • Tránh lấy ráy bằng vật cứng: Không sử dụng các vật cứng để lấy ráy, đặc biệt ở các tiệm cắt tóc, vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương.

Luôn giữ tai sạch, khô và không sử dụng vật cứng để lấy ráy tai

Luôn giữ tai sạch, khô và không sử dụng vật cứng để lấy ráy tai

Các câu hỏi thường gặp 

Bệnh viêm tai giữa ứ dịch rất phổ biến nhưng vẫn có không ít người đặt ra những thắc mắc về bệnh và dưới đây là một vài câu hỏi hay gặp nhất:

Độ tuổi nào dễ bị mắc tai giữa viêm ứ dịch?

Bệnh lý này có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 6. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở độ tuổi 2, giảm xuống sau 5 tuổi. Viêm tai giữa ứ dịch phổ biến hơn vào những tháng mùa đông, tương ứng với tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên cao hơn.

Tai giữa bị viêm ứ dịch có những loại nào?

Tai giữa viêm ứ dịch được phân thành ba loại dựa trên thời gian kéo dài của tình trạng:

  • Tai giữa viêm ứ dịch cấp tính: Xảy ra trong vòng 3 tuần.
  • Tai giữa viêm ứ dịch bán cấp: Kéo dài từ 3 tuần đến 3 tháng.
  • Tai giữa viêm ứ dịch mãn tính: Kéo dài hơn 3 tháng.

Tai giữa viêm ứ dịch có thể tự khỏi không?

Tai giữa bị viêm ứ dịch thường tự cải thiện, chất lỏng thường biến mất trong vòng 4 - 6 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dịch có thể tồn tại lâu hơn, dẫn đến giảm thính lực tạm thời hoặc gây ra nhiễm trùng, như viêm tai giữa cấp tính.

Kết luận

Viêm tai giữa ứ dịch có thể khiến thính lực bị giảm nếu không điều trị kịp thời. Nếu bạn cũng hay gặp vấn đề về tai và có những triệu chứng cũng như thời gian bệnh kéo dài hãy đến các cơ sở Y tế chuyên khoa để thăm khám, chẩn đoán hoặc tới bệnh viện Đại học Phenikaa để được hỗ trợ điều trị phù hợp.

Chúc bạn nhiều sức khỏe!

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

  • Otitis Media With Effusion: https://www.chop.edu/conditions-diseases/oti...sion-ome
  • Otitis Media with Effusion. https://www.healthline.com/health/otitis-med...effusion.
  • Hayes, K., RN. (2024, January 2). Fluid in the ear Symptoms, causes and treatments. Verywell Health. https://www.verywellhealth.com/diagnosis-and...-119221123:12/-strong/-heart:>:o:-((:-h
  • Frederick T. Searight; Rahulkumar Singh; Diana C. Peterson ( 2023) Otitis Media With Effusion, Ncbi https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538293/
right

Chủ đề :