iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Bào Thai

icon

Vỡ Ối Khi Mang Thai: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Xử Lý An Toàn

Vỡ Ối Khi Mang Thai: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Xử Lý An Toàn

Vỡ Ối Khi Mang Thai: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Xử Lý An Toàn
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Vỡ ối là hiện tượng sinh lý tự nhiên, thường xảy ra ở giai đoạn cuối thai kỳ, đánh dấu thời điểm thai nhi sẵn sàng chào đời. Lúc này, túi ối chứa nước bao quanh thai nhi sẽ bị rách. Nước ối sẽ thoát ra ngoài qua âm đạo. Bài viết dưới đây, cùng Bệnh viện Đại học Phenikaa (PhenikaaMec) đi tìm hiểu chi tiết vỡ nước ối là như thế nào, cách nhận biết rách màng ối, nguyên nhân và cách xử lý cụ thể.

Vỡ nước ối là gì?

Vỡ nước ối là hiện tượng sinh lý tự nhiên. Lúc này, túi ối chứa nước bao bọc thai nhi sẽ bị rách, khiến nước ối chảy ra âm đạo. Đây là dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển dạ đang đến gần. Tuy nhiên, nếu rách màng ối sớm (trước tuần 37) hoặc vỡ ối non (khi chưa chuyển dạ), mẹ bầu có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro như nhiễm trùng ối, thiếu ối, sinh non, hay nghiêm trọng hơn là sa dây rốn.

Khi bị vỡ nước ối, mẹ bầu có thể cảm nhận được dòng nước trào ra đột ngột hoặc âm ỉ ra liên tục, thường không thể kiểm soát được như khi đi tiểu. Việc nhận biết đúng thời điểm rách màng ối và xử lý kịp thời rất quan trọng. Điều này giúp mẹ bầu chủ động di chuyển đến cơ sở y tế và đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

>>Tìm hiểu: Thai Sản Trọn Gói PhenikaaMec

Hiện tượng vỡ ối thường xảy ra cuối thai kì là dấu hiệu chuẩn bị chuyển dạ sinh con

Hiện tượng vỡ ối thường xảy ra cuối thai kì là dấu hiệu chuẩn bị chuyển dạ sinh con

Dấu hiệu và cách nhận biết vỡ nước ối như thế nào?

Vỡ nước ối và són tiểu là hai tình trạng thường bị nhầm lẫn, đặc biệt trong những tuần cuối thai kỳ, khi thai nhi lớn dần và tạo áp lực lên bàng quang. Sự tương đồng về cảm giác ướt vùng kín khiến nhiều mẹ khó phân biệt, dẫn đến tâm lý chủ quan hoặc xử lý chưa đúng cách.

Cách nhận biết vỡ ối phân biệt với són tiểu qua một số dấu hiệu điển hình như:

  • Nước chảy bất ngờ qua âm đạo, có thể thành dòng lớn hoặc rỉ liên tục và không thể kiểm soát.
  • Không kèm cảm giác buồn tiểu hoặc phản xạ tiểu tiện.
  • Nước ối thường không có mùi khai, có thể hơi tanh nhẹ hoặc không mùi.
  • Màu sắc nước ối thường là trắng trong hoặc trắng đục. Trường hợp nước ối có màu xanh, nâu, hồng,... có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bất thường.
  • Rò rỉ kéo dài, ngay cả khi nghỉ ngơi, không gắng sức.

Trường hợp nghi ngờ rách màng ối, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra chính xác và xử lý kịp thời. Lưu ý, tuyệt đối không chần chừ hoặc tự ý ở nhà theo dõi quá lâu, vì điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Nguyên nhân gây vỡ nước ối

Việc nắm rõ căn nguyên của tình trạng vỡ ối giúp mẹ chủ động hơn trong việc phòng tránh các tình huống không mong muốn và chuẩn bị tốt cho thời điểm chuyển dạ. Về cụ thể nguyên nhân, bao gồm:

1. Nguyên nhân sinh lý

Nguyên nhân sinh lý gây vỡ nước ối thường liên quan đến các cơn co tử cung, tình trạng thai nhi và túi ối. Cụ thể như sau:

  • Cơn co tử cung tăng dần trong giai đoạn chuyển dạ khiến áp lực buồng tử cung tăng lên, dẫn đến tình trạng rách màng ối. Đây là cơ chế tự nhiên giúp khởi phát chuyển dạ hoặc hỗ trợ thai nhi di chuyển qua đường sinh thường dễ dàng hơn.
  • Đầu thai nhi bị tụt ép lên cổ tử cung và màng ối, tạo lực căng khiến túi ối vỡ.
  • Túi ối mỏng yếu do đặc điểm cơ địa hoặc thay đổi sinh lý cuối thai kỳ cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng vỡ nước ối, đa thai, đa ối, cổ tử cung ngắn.

2. Nguyên nhân nhiễm trùng

Trong một số trường hợp mẹ bầu bị viêm âm đạo, viêm màng ối có thể gây ra tình trạng bị vỡ ối đặc biệt khi thay đổi tư thế đột ngột, đi lại nhiều hoặc khi gắng sức. Bên cạnh đó, quan hệ tình dục trong giai đoạn cuối thai kỳ cũng có thể kích thích tử cung và màng ối, gây hiện tượng vỡ nước ối.

Việc hiểu rõ các nguyên nhân gây vỡ ối không chỉ giúp bạn chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho giai đoạn chuyển dạ, mà còn góp phần nâng cao hiểu biết trong việc theo dõi các dấu hiệu cơ thể một cách chủ động.

Vỡ ối có nguy hiểm không?

Vỡ ối đúng thời điểm (gần sinh) thường không gây nguy hiểm. Nhưng, nếu rách màng ối mà mẹ bầu không nhận biết đúng dấu hiệu, nhầm lẫn với són tiểu, hoặc xử lý chậm trễ, có thể làm tăng nguy cơ biến chứng trong thai kỳ và khi sinh nở. Một số rủi ro điển hình nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sau khi vỡ nước ối, gồm:

1. Nhiễm trùng

Khi túi ối rách, môi trường bảo vệ thai nhi không còn đảm bảo, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm màng ối, nhiễm trùng ối - nhau - thai.

2. Suy thai cấp

Giảm lượng nước ối đột ngột có thể dẫn đến chèn ép dây rốn ảnh hưởng đến quá trình trao đổi oxy và dinh dưỡng, nguy cơ gây suy thai cấp.

3. Sa dây rốn

Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất có thể đe dọa trực tiếp tính mạng của thai nhi. Sau vỡ nước ối, nếu mẹ tiếp tục vận động mạnh, nguy cơ dây rốn bị tụt ra ngoài cổ tử cung tăng cao, cần được cấp cứu kịp thời để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé.

Do vậy, việc nhận biết sớm các biểu hiện vỡ ối và xử trí kịp thời không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho mẹ và em bé, mà còn giữ vững điều kiện tốt nhất để thai nhi chào đời khỏe mạnh, bình an.

Vỡ ối có thể làm tăng nguy cơ sa dây rốn cần được theo dõi kịp thời

Vỡ ối có thể làm tăng nguy cơ sa dây rốn cần được theo dõi kịp thời

Mẹ bầu nên làm gì khi vỡ nước ối?

Khi vỡ ối, mẹ bầu cần làm những việc sau để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé:

1. Giữ bình tĩnh và quan sát biểu hiện

Khi rách màng ối, mẹ cần giữ bình tĩnh và tránh lo lắng quá mức. Thay vì hoang mang, mẹ nên tập trung quan sát các biểu hiện cơ thể và thực hiện các bước xử lý đúng cách để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Cụ thể mẹ cần:

  • Quan sát xem nước chảy ra nhiều hay ít, liên tục hay ngắt quãng.
  • Ghi nhớ các đặc điểm như thời điểm vỡ nước ối, lượng nước ối chảy ra, vỡ nước ối có màu gì (trong, vàng, nhạt, hồng, xanh hay nâu), không mùi hay mùi bất thường.

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên kiểm tra về những vật dụng cần thiết để chuẩn bị cho ngày nhập viện sắp tới.

2. Hạn chế đi lại

Mẹ bầu không nên di chuyển nhiều, đặc biệt là khi nước ối chảy nhiều hoặc thai nhi chưa tụt sâu vào khung chậu. Thời điểm này, mẹ cần nghỉ ngơi để chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe cho quá trình chuyển dạ.

3. Giữ vệ sinh vùng kín

Mẹ bầu cần dùng băng vệ sinh để thấm nước ối, đồng thời cần thay băng thường xuyên để đảm bảo vùng kín luôn sạch sẽ và khô thoáng. Điều này có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng gây nguy hiểm cho bé.

4. Đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt

Nếu bạn đang mang thai và gặp tình trạng này, hãy đến ngay bệnh viện để kiểm tra, đặc biệt ối vỡ sẽ nguy hiểm trong các trường hợp:

  • Nước ối có các đặc điểm bất thường như: có màu đen hoặc lẫn máu, có màu vàng, màu xanh do lẫn phân su của thai nhi, mùi hôi tanh.
  • Vỡ nước ối trước 37 tuần cần nhập viện sớm để tránh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, nhau bong non, sa dây rốn,…
  • Ngoài ra, nếu thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu như: sốt, mệt mỏi, thường xuyên đổ mồ hôi, thai nhi ít cử động,… Mẹ bầu cần nhập viện càng sớm càng tốt.

Vỡ ối có thể là dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu nên đến viện ngay

Vỡ ối có thể là dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu nên đến viện ngay

Tìm hiểu thêm:

Phòng tránh vỡ nước ối sớm bằng cách nào?

Mặc dù vỡ nước ối là dấu hiệu chuyển dạ tự nhiên, nhưng nếu xảy ra quá sớm có thể gây nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé. Vậy mẹ bầu cần làm gì để giảm nguy cơ này? Dưới đây là một số cách giúp phòng tránh vỡ nước ối sớm hiệu quả mà bạn nên chủ động áp dụng trong suốt thai kỳ.

1. Khám thai định kỳ và kiểm tra cổ tử cung

Khám thai đều đặn theo lịch hẹn giúp bác sĩ theo dõi chi tiết tình trạng của túi ối, cổ tử cung và các dấu hiệu bất thường liên quan đến nguy cơ vỡ ối sớm. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra những hướng dẫn và can thiệp phù hợp để bảo vệ thai kỳ và phòng ngừa biến chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và em bé.

Bên cạnh đó, việc khám thai định kỳ cũng giúp đánh giá lượng nước ối, phát hiện các tình trạng như đa ối, thiếu ối, các yếu tố làm tăng áp lực túi ối.

2. Kiểm soát nhiễm trùng phụ khoa

Nhiễm trùng âm đạo hoặc cổ tử cung có thể gây viêm màng ối và làm túi ối dễ bị rách. Vì vậy, mẹ bầu nên đi khám phụ khoa định kỳ, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ, để phát hiện sớm tình trạng viêm nhiễm và được điều trị kịp thời, đúng cách.

3. Tránh vận động mạnh và nghỉ ngơi hợp lý

Khi bước vào tam cá nguyệt thứ 3, mẹ nên tránh làm việc nặng, leo cầu thang nhiều lần, cúi gập người hoặc mang vác vật nặng. Việc vận động quá sức có thể làm tăng áp lực ổ bụng, tử cung và dẫn đến rách màng ối. Trong trường hợp mẹ có các dấu hiệu dọa sinh non như: căng tức bụng dưới, cảm giác thai tụt bất thường, ra dịch âm đạo nhiều hơn bình thường,... hoặc có tiền sử vỡ ối sớm, mẹ cần nghỉ ngơi theo hướng dẫn của bác sĩ.

4. Quan hệ tình dục an toàn, đúng thời điểm

Trong những tuần cuối của thai kỳ, quan hệ tình dục cần được cân nhắc cẩn thận, đặc biệt là những mẹ có dấu hiệu dọa sinh non, cổ tử cung ngắn hoặc có tiền sử vỡ ối sớm thì nên kiêng quan hệ. Việc quan hệ không đúng thời điểm hoặc quá mạnh có thể kích thích co bóp tử cung, làm tăng nguy cơ vỡ ối, chuyển dạ sớm hoặc gây ra những bất thường thai kỳ khác.

Bài viết trên đây là tổng hợp thông tin về dấu hiệu, nguyên nhân và hướng xử trí khi mẹ bầu vỡ ối. Vỡ nước ối sau 37 tuần là một dấu hiệu sinh lý quan trọng cho thấy thai nhi đã chuẩn bị chào đời. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu không nhận biết đúng hoặc xử trí kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều rủi ro không mong muốn như nhiễm trùng, sa dây rốn hoặc suy thai. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ vỡ ối, thai máy yếu hoặc xuất hiện cơn co tử cung bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và theo dõi sát sao.

Bệnh viện Đại học Phenikaa - PhenikaaMEC hiện là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản phụ khoa chất lượng cao. Tại đây có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại và mô hình chăm sóc thai kỳ toàn diện. Liên hệ ngay hotline 1900 886648 để được tư vấn miễn phí 24/7 bởi đội ngũ chuyên gia sản khoa hàng đầu.

calendarNgày cập nhật: 25/07/2025

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

1. Spontaneous Rupture of Membranes before Labour, https://www.nth.nhs.uk/resources/spontaneous-rupture-of-membranes-before-labour/

2. Preterm and Term Prelabor Rupture of Membranes (PPROM and PROM), https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532888/

3. Premature Rupture of Membranes, https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24561-premature-rupture-of-membranes

right

Chủ đề :