Ối vỡ non là tình trạng nhiều mẹ bầu gặp phải trước khi bước vào chuyển dạ, đặc biệt là ở những tuần thai còn non tháng. Đây không chỉ là dấu hiệu bất thường của thai kỳ, mà còn tiềm ẩn nguy cơ sinh non, nhiễm trùng ối và ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Bài viết dưới đây, Bệnh viện Đại học Phenikaa (PhenikaaMec) sẽ cung cấp thông tin chi tiết về dấu hiệu, nguyên nhân, biến chứng và cách phòng tránh vỡ ối sớm hiệu quả.
Ối vỡ non là gì?
Ối vỡ non xảy ra khi màng ối rách trước khi chuyển dạ, khiến nước ối rò rỉ. Tình trạng này thường diễn ra trước tuần thai thứ 37. Đây là một trong những tình huống cấp cứu trong sản khoa nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi.
Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, tình trạng này có thể gây viêm màng ối, nhiễm khuẩn huyết, băng huyết sau sinh, hay thậm chí đe dọa tính mạng của cả mẹ và em bé. Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu liên quan và can thiệp đúng cách là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu rủi ro và bảo đảm an toàn cho mẹ và thai nhi.
>>Tìm hiểu: Thai Sản Trọn Gói PhenikaaMec
Màng ối bao bọc thai nhi, vỡ ối non xảy ra khi màng ối này bị rách và rò rỉ nước ra ngoài
Nguyên nhân ối vỡ non
Tình trạng này có nhiều nguyên nhân khác nhau, liên quan đến các yếu tố như nhiễm trùng, hở eo tử cung, tiền sử vỡ ối non, đa thai, đa ối, lối sống không lành mạnh. Dưới đây là thông tin chi tiết:
- Nhiễm trùng: Viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị triệt để có thể gây viêm màng ối, làm tăng nguy cơ vỡ ối sớm.
- Hở eo tử cung: Là tình trạng cổ tử cung suy yếu về cấu trúc và chức năng, gây tình trạng hở kênh cổ tử cung khi mang thai. Điều này dẫn đến màng ối suy yếu, làm tăng nguy cơ vỡ ối non khi mang thai.
- Đa thai, đa ối: Tử cung căng giãn quá mức dễ gây tình trạng vỡ ối sớm.
- Tiền sử vỡ ối non: Nguy cơ tái phát ở lần mang thai tiếp theo.
- Lối sống không lành mạnh: Dinh dưỡng không hợp lý, chế độ sinh hoạt không khoa học và thường xuyên làm việc nặng cũng làm gia tăng đáng kể nguy cơ vỡ ối sớm.
Một số trường hợp, nguyên nhân cụ thể có thể không rõ ràng. Việc xác định nguyên nhân đòi hỏi sự can thiệp và điều tra thêm từ các bác sĩ chuyên khoa.
Dấu hiệu nhận biết sớm ối vỡ non
Phát hiện vỡ ối sớm là bước quan trọng giúp can thiệp y tế kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhận biết các triệu chứng sớm của ối vỡ non không hề dễ dàng, do biểu hiện thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các hiện tượng sinh lý bình thường trong thai kỳ. Một số dấu hiệu điển hình bao gồm:
1. Rò rỉ dịch âm đạo bất thường
Đây là dấu hiệu đặc trưng của vỡ ối sớm mà bạn cần chú ý. Trong đó, dịch có thể chảy thành dòng hoặc rò rỉ từng ít một. Bạn có thể cảm nhận đáy quần lót thường xuyên bị ẩm ướt dù không có cảm giác buồn tiểu, khiến tình trạng này dễ bị nhầm lẫn với són tiểu hoặc dịch âm đạo thông thường. Để nhận biết chính xác, mẹ bầu cần kết hợp việc quan sát màu sắc, mùi dịch và tần suất thấm ướt và tới khám tại cơ sở y tế.
2. Dịch ối trong suốt, không có mùi hoặc mùi nồng nhẹ
Nếu dịch có màu vàng đậm, mùi khai rõ rệt và biến mất sau khi đi vệ sinh, khả năng cao là nước tiểu. Ngược lại, nếu dịch chảy trong suốt, không có mùi rõ rệt hoặc chỉ hơi nồng, có thể bạn đã bị vỡ ối và cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và xử lý kịp thời.
3. Thai máy bất thường hoặc giảm vận động thai
Trong một số trường hợp, khi lượng nước ối giảm đáng kể, thai nhi có thể vận động ít đi do bị chèn ép hoặc thiếu không gian để cử động. Nếu mẹ bầu cảm thấy thai máy yếu và không thường xuyên như trước, cần báo ngay cho bác sĩ để chẩn đoán chính xác và có kế hoạch can thiệp phù hợp.
4. Cảm giác đau vùng bụng dưới hoặc co cứng tử cung
Số ít trường hợp khác, mẹ bầu có thể gặp phải một số triệu chứng như:
- Căng tức bụng dưới.
- Cảm giác co bóp tử cung sớm hơn bình thường.
- Đau âm ỉ vùng thắt lưng hoặc hạ vị.
Đây có thể là phản ứng của tử cung khi nước ối đã vỡ và bắt đầu chuyển sang giai đoạn có nguy cơ chuyển dạ sinh non.
Mẹ bầu bị ra dịch âm đạo, thai máy bất thường, bụng căng cứng nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay
Ối vỡ non có nguy hiểm không? Cảnh báo biến chứng
Câu trả lời là có. Ối vỡ non rất nguy hiểm vì có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như: nhiễm trùng, chuyển dạ sinh non, suy thai, hay thậm chí là tử vong chu sinh nếu không được xử lý kịp thời. Đây là tình trạng cần theo dõi và can thiệp y tế ngay lập tức để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và bé.
1. Nguy cơ nhiễm trùng
Khi túi ối bị rách, hàng rào bảo vệ thai nhi và môi trường bảo vệ thai nhi không còn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào buồng ối, gây viêm màng ối, nhiễm trùng ối và nhiễm trùng sơ sinh. Trường hợp nhiễm trùng lan rộng, mẹ có thể bị nhiễm khuẩn huyết, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
2. Nguy cơ suy thai
Ối vỡ non kéo dài có thể làm giảm lượng nước ối, dẫn đến tình trạng thiểu ối và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển phổi, hệ xương, tuần hoàn của thai nhi. Đồng thời, tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ chèn ép dây rốn, suy thai trong tử cung.
3. Rủi ro cho thai nhi
Nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách, thai nhi có thể phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng như sinh non, suy hô hấp, xuất huyết nội sọ, tổn thương thần kinh, hoặc tử vong chu sinh.
4. Chuyển dạ sớm
Vỡ ối là một trong những yếu tố kích thích chuyển dạ. Nếu vỡ ối xảy ra trước tuần thai thứ 37, bạn có thể bị chuyển dạ sớm, dẫn đến tình trạng sinh non và những biến chứng kèm theo như non tháng, nhẹ cân, suy hô hấp sơ sinh.
Các phương pháp chẩn đoán ối vỡ non
Khi mẹ nghi ngờ có hiện tượng rò rỉ nước ối, việc xác định chính xác có phải vỡ ối non hay không là điều vô cùng quan trọng. Bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp nhiều kỹ thuật thăm khám và xét nghiệm sau:
1. Khai thác tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng
Trước hết, bác sĩ sẽ hỏi kỹ về các biểu hiện của sản phụ như: Lượng dịch chảy ra từ âm đạo, thời điểm bắt đầu, màu sắc và mùi của dịch, có kèm đau bụng hay cơn gò tử cung không, thai máy ra sao… Bên cạnh đó, tiền sử sản khoa, các bệnh phụ khoa từng mắc, phẫu thuật vùng chậu, cũng như tiền sử gia đình đều được lưu ý để đánh giá nguy cơ.
Khám mỏ vịt sẽ giúp quan sát xem có dấu hiệu viêm nhiễm, ra máu, sa dây rốn hay không. Đồng thời, bác sĩ có thể đánh giá mức độ mở cổ tử cung.
2. Siêu âm thai
Siêu âm là phương pháp cần thiết để chỉ định đánh giá tuổi thai, trọng lượng thai nhi ước tính, kiểm tra chỉ số nước ối, xác định vị trí thai, nhau thai, dây rốn,… Dù không thể trực tiếp khẳng định vỡ ối, siêu âm giúp phát hiện gián tiếp các dấu hiệu thiếu ối – biểu hiện quan trọng để chẩn đoán.
Siêu âm còn giúp đánh giá lượng dịch ối còn lại trong buồng tử cung
3. Đo độ pH âm đạo
Nước ối có tính kiềm, trong khi dịch âm đạo hoặc nước tiểu thường có tính acid. Vì vậy, kiểm tra pH dịch lấy từ âm đạo có thể gợi ý vỡ ối nếu pH đo được > 6.5.
Dùng giấy thử Nitrazine để kiểm tra pH: Nếu tiếp xúc với nước ối có tính kiềm, giấy sẽ đổi từ vàng sang xanh. Tuy nhiên, các yếu tố như máu, dịch viêm nhiễm cũng có thể gây sai lệch kết quả, nên cần phối hợp với các xét nghiệm khác.
4. Sử dụng Actim prom
Actim PROM là một xét nghiệm nhanh tại giường, được sử dụng để chẩn đoán hiện tượng vỡ màng ối (PROM) trong thai kỳ. Xét nghiệm này dựa trên việc phát hiện protein IGFBP‑1, một chất có nồng độ cao trong dịch ối nhưng rất thấp trong các dịch khác như âm đạo, máu hoặc tinh dịch.
Actim PROM thực hiện đơn giản và cho kết quả sau vài phút. Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định nhanh chóng tình trạng vỡ ối, kể cả khi dịch âm đạo lẫn máu hoặc các chất khác. Nhờ độ chính xác cao, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại lai, Actim PROM là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc đưa ra quyết định điều trị kịp thời, nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng cho cả mẹ và bé.
5. Các xét nghiệm bổ sung sau khi chẩn đoán vỡ ối non
Khi đã xác định thai phụ bị vỡ ối non, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá tình trạng thai:
- Xét nghiệm máu: Đánh giá nguy cơ và mức độ nhiễm trùng.
- Đánh giá độ trưởng thành phổi thai nhi: Nhằm quyết định thời điểm sinh phù hợp.
- Theo dõi nhịp tim thai, vận động thai: Nhằm đảm bảo thai nhi vẫn khỏe mạnh trong tử cung.
Việc chẩn đoán chính xác vỡ ối non không chỉ giúp xử trí kịp thời, mà còn giảm thiểu các rủi ro nghiêm trọng như nhiễm trùng ối, suy thai. Khi nghi ngờ có dấu hiệu rỉ ối, bạn cần đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và theo dõi sát.
>>Tìm hiểu thêm:
- Gợi Ý Cách Làm Giảm Nước Ối Cho Mẹ Bầu An Toàn Và Hiệu Quả
- Ít Nước Ối: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Thiểu Ối Và Cách Phòng Ngừa
Phương pháp điều trị cho mẹ bầu bị vỡ ối non
Điều trị vỡ ối non cần căn cứ vào tuổi thai, cụ thể như sau:
1. Thai đủ tháng (≥ 37 tuần)
Thông thường sau khi ối vỡ, sản phụ sẽ xuất hiện cơn co tử cung để chuyển dạ đẻ. Nếu không có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ sẽ theo dõi tự nhiên. Nếu chuyển dạ kéo dài hoặc có yếu tố nhiễm trùng thì sẽ được xử trí tích cực giúp đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Đồng thời, sẽ dùng kháng sinh dự phòng liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) nếu cần.
2. Thai từ 34 đến 36 tuần 6 ngày
Việc sinh em bé được xem là lựa chọn an toàn trong giai đoạn này.
3. Thai từ 24 đến 33 tuần 6 ngày
Mục tiêu là kéo dài thai kỳ thêm càng lâu càng tốt để tăng cơ hội sống sót và phát triển cho thai nhi. Mẹ bầu sẽ được dùng kháng sinh phổ rộng, corticosteroid để hỗ trợ trưởng thành phổi, và thuốc phòng ngừa nhiễm GBS.
4. Thai dưới 24 tuần
Tiên lượng ở giai đoạn này còn hạn chế. Bác sĩ sẽ tư vấn kỹ càng cho sản phụ và gia đình. Việc lựa chọn theo dõi hoặc khởi phát chuyển dạ sớm sẽ dựa trên từng trường hợp cụ thể. Kháng sinh có thể được cân nhắc từ tuần thứ 20 nếu tiếp tục thai kỳ, tuy nhiên không khuyến cáo dùng corticosteroid, GBS prophylaxis, thuốc giảm co hoặc magnesium sulfate cho đến khi xác định khả năng sống sót của thai nhi.
5. Một số loại thuốc điều trị vỡ ối non
Các loại thuốc thường dùng trong điều trị vỡ ối non bao gồm:
- Kháng sinh phổ rộng: Sử dụng liên tục trong 7 ngày giúp kéo dài thời gian thai kỳ, giảm nguy cơ nhiễm trùng cho cả mẹ và bé, đồng thời giảm các biến chứng sau sinh cho trẻ sơ sinh.
- Corticosteroid: Được chỉ định cho các thai kỳ từ 24–34 tuần có nguy cơ sinh sớm trong vòng 7 ngày. Loại thuốc này giúp tăng trưởng phổi thai nhi, giảm tỷ lệ tử vong chu sinh, giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử, xuất huyết não và suy hô hấp.
- Magie sulfat (Magnesium sulfate): Áp dụng trong các trường hợp nguy cơ sinh cực non giúp bảo vệ hệ thần kinh của thai, giảm nguy cơ bại não ở trẻ sinh non.
- Thuốc giảm co tử cung: Chỉ được chỉ định trong các tình huống đặc biệt, khi lợi ích vượt trội nguy cơ. Mục đích chính là trì hoãn chuyển dạ để đủ thời gian sử dụng corticosteroid hoặc chuyển tuyến an toàn.
Việc điều trị cần cá thể hóa theo từng giai đoạn thai kỳ và tình trạng sản phụ. Mục tiêu chính là đảm bảo an toàn tối đa cho mẹ và thai nhi, ngăn ngừa nhiễm trùng, hỗ trợ phổi thai phát triển, và chuẩn bị đầy đủ trước khi sinh.
Khi nào nên đi khám bác sĩ ngay?
Việc theo dõi và phát hiện các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ là rất quan trọng, đặc biệt khi nghi ngờ tình trạng vỡ ối sớm. Nếu mẹ bầu gặp một trong những biểu hiện dưới đây, cần đến thăm khám bác sĩ ngay để được kiểm tra và xử trí kịp thời:
- Có cảm giác dịch lỏng chảy hoặc thấm ướt đáy quần lót liên tục và không kiểm soát được.
- Dịch âm đạo trong suốt, không mùi hoặc nồng nhẹ.
- Thai máy yếu đi hoặc không cảm nhận thấy cử động trong vài giờ.
- Xuất hiện đau bụng từng cơn, co cứng bụng, đau lưng dưới bất thường.
- Ra máu âm đạo, dù chỉ là một lượng nhỏ.
- Sốt, rét run, tim đập nhanh, mệt mỏi.
- Có tiền sử vỡ ối sớm, sinh non hoặc từng can thiệp tử cung.
Cách phòng tránh vỡ ối sớm và chăm sóc thai kỳ an toàn
Ối vỡ non có thể kiểm soát và phòng ngừa thông qua một số biện pháp chủ động dưới đây:
1. Khám thai đúng lịch và tầm soát nguy cơ vỡ ối sớm
Mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ theo lịch hẹn, đây là điều kiện tiên quyết để bác sĩ theo dõi sát sao sự phát triển của thai nhi và tình trạng tử cung, cổ tử cung. Trường hợp mẹ bầu có dấu hiệu viêm âm đạo, nhiễm trùng tiết niệu hoặc tiết dịch bất thường, cần đến thăm khám bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Điều này giúp tránh gây tình trạng viêm màng ối, nguyên nhân phổ biến gây vỡ ối sớm.
2. Duy trì lối sống lành mạnh
Bạn nên duy trì lối sống lành mạnh thông qua những hoạt động như:
- Ăn uống đủ chất, ưu tiên các thực phẩm giàu protein, vitamin C, E, kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch và độ bền của màng ối.
- Tránh lao động nặng, thức khuya, căng thẳng kéo dài, vì có thể làm rối loạn nội tiết và kích thích co bóp tử cung.
- Tuyệt đối không sử dụng thuốc lá, rượu bia hay caffein, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ sinh non và rối loạn phát triển màng ối.
- Bạn không nên hoặc hạn chế quan hệ tình dục, đặc biệt với những người có tiền sử sinh non , hở eo tử cung hoặc có dấu hiệu dọa sảy.
- Giữ vệ sinh vùng kín mỗi ngày bằng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh dịu nhẹ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Không thụt rửa âm đạo hoặc tự kiểm tra vùng kín bằng tay, vì sẽ làm mất cân bằng vi sinh và tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo, cổ tử cung.
- Không ngâm mình quá lâu trong bồn tắm, đặc biệt là khi có dấu hiệu tiết dịch âm đạo nhiều, vì môi trường nước có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Mẹ bầu nên bổ sung dưỡng chất, ăn uống lành mạnh để thai nhi phát triển toàn diện
3. Tuân thủ hướng dẫn bác sĩ để phòng tránh vỡ ối sớm
Mẹ bầu cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ Sản khoa, đặc biệt với những trường hợp có tiền sử vỡ ối non. Mẹ cần lưu ý, tuyệt đối không tự ý mua, dùng thuốc hoặc sử dụng các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ co tử cung hoặc ảnh hưởng đến màng ối.
Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ như rò âm đạo, đau bụng, thai máy ít,… bạn nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và theo dõi sát sao.
Bài viết trên đây là toàn bộ thông tin về dấu hiệu, nguyên nhân, biến chứng và cách phòng tránh ối vỡ non hiệu quả. Ối vỡ sớm là biến chứng sản khoa nguy hiểm, có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và em bé nếu không được phát hiện và can thiệp đúng lúc. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường, tuân thủ lịch khám thai và duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh là những bước quan trọng giúp mẹ bầu bảo vệ thai kỳ an toàn.
Nếu bạn đang có dấu hiệu nghi ngờ rò ối hoặc cần theo dõi thai kỳ chuyên sâu, đừng ngần ngại liên hệ qua hotline: 1900 886648 và đặt lịch khám tại Bệnh viện Đại học Phenikaa - PhenikaaMec để được tư vấn, chẩn đoán và chăm sóc một cách toàn diện.