Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về cho chuyên mục Hỏi - Đáp của Bệnh viện Đại học Phenikaa (PhenikaaMec). Với trường hợp của bạn “đa ối tuần 36” đây là vấn đề không hiếm gặp ở những tháng cuối thai kỳ và cần được theo dõi sát.
Ở tuần 36, khi nước ối tăng vượt mức bình thường, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ đa ối: nhẹ, trung bình hoặc nặng. Đa ối có thể gây những rủi ro như: Chuyển dạ sớm vỡ ối non, sa dây rốn hoặc khiến thai nhi xoay ngôi bất thường. Tuy nhiên, nếu chỉ ở mức độ nhẹ và các chỉ số sức khỏe của mẹ, bé đều ổn định thì tình trạng này vẫn có thể được kiểm soát mà không cần can thiệp y tế ngay lập tức. Việc theo dõi sát theo lịch khám, siêu âm định kỳ và tuân thủ hướng dẫn dinh dưỡng, nghỉ ngơi là điều quan trọng trong giai đoạn này.
Đa ối ở tuần 36 là gì?
Đa ối ở tuần thai thứ 36 là tình trạng lượng nước ối trong buồng tử cung vượt quá mức bình thường vào giai đoạn cuối thai kỳ. Ở tuần 36, thể tích nước ối được xem là bình thường nếu chỉ số ối (AFI) từ 8–18cm. Nếu AFI ≥ 25cm hoặc góc ối sâu nhất ≥ 8cm, bác sĩ sẽ chẩn đoán là đa ối.
Ở tuần 36, cơ thể của mẹ bầu và thai nhi đã sẵn sàng cho giai đoạn chuyển dạ. Tuy nhiên nếu mắc đa ối ở giai đoạn này thì sản phụ vẫn cần được theo dõi cẩn thận vì có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình sinh nở.
Đa ối ở tuần 36 là lượng nước ối lớn hơn bình thường so với tuổi thai
Nguyên nhân gây đa ối ở tuần 36
Thai 36 tuần đa ối thường do những nguyên nhân sau:
1. Tiểu đường thai kỳ - Nguyên nhân hàng đầu
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Khi mẹ bầu có đường huyết cao, thai nhi tăng bài tiết nước tiểu – dẫn đến tăng lượng nước ối. Đặc biệt ở tuần 36, nếu tiểu đường thai kỳ chưa được phát hiện hoặc kiểm soát không tốt, đa ối rất dễ xảy ra.
2. Bất thường thai nhi cần theo dõi
Một số dị tật ở thai nhi có thể khiến bé không nuốt được nước ối – dẫn đến tồn đọng nước ối quá mức. Gồm:
- Tắc/hẹp thực quản, hẹp tá tràng.
- Dị tật hệ thần kinh trung ương (ví dụ hội chứng Dandy-Walker, vô sọ...).
- Sứt môi – hở hàm ếch.
- Bất thường hệ tiết niệu, sinh dục.
3. Bất thường nhiễm sắc thể
Thai nhi mắc các hội chứng di truyền như Trisomy 13, 18, 21 có thể gây rối loạn quá trình hấp thu và điều hòa nước ối, dẫn đến đa ối.
4. Nhiễm trùng bào thai
Các tác nhân như Rubella, CMV, Toxoplasma, giang mai… có thể gây phản ứng viêm, làm tăng tiết dịch và gây dư ối, đa ối.
5. Hội chứng truyền máu song thai (TTTS)
Trong các ca song thai một bánh rau hai buồng ối, nếu xuất hiện TTTS, thai nhận máu thường có đa ối rõ rệt do tăng tiểu tiện. Tình trạng này rất nguy hiểm và cần can thiệp sớm.
6. Bất thường bánh rau hoặc màng ối
U mạch máu màng đệm, viêm nội mạc tử cung, tổn thương bánh rau do nhiễm trùng… cũng có thể gây rối loạn chuyển hóa dịch ối và dẫn đến đa ối.
7. Không rõ nguyên nhân (đa ối vô căn)
Khoảng 30–50% trường hợp không tìm thấy nguyên nhân cụ thể. Những trường hợp này cần theo dõi sát để đánh giá sự phát triển của thai nhi và chuẩn bị kế hoạch sinh phù hợp.
Phương pháp chẩn đoán đa ối tuần 36
1. Dấu hiệu lâm sàng mẹ cần biết
Bác sĩ có thể nghi ngờ mẹ bầu bị đa ối nếu quan sát và thăm khám thấy những biểu hiện sau:
- Bụng lớn bất thường so với tuổi thai: Vòng bụng của mẹ to hơn nhiều so với trung bình của thai 36 tuần. Ngoài ra, khi đo chiều cao tử cung (từ xương mu đến đáy tử cung) phát hiện lớn hơn so với mốc tuổi thai.
- Căng tức bụng, khó thở, khó nằm ngửa: Mẹ bầu có cảm giác bụng căng tức, khó chịu, nặng nề, khó xoay người, mệt mỏi do tử cung chèn ép cơ hoành.
- Gò tử cung bất thường: Do tử cung bị căng quá mức có thể gây nên những cơn gò bất thường.
- Nghe tim thai khó: Khi nghe tim thai bằng ống nghe hoặc Doppler, có thể thấy tiếng tim thai mờ hoặc xa hơn bình thường.
2. Chẩn đoán qua siêu âm
Siêu âm là phương pháp hàng đầu giúp chẩn đoán chính xác đa ối. Bác sĩ sẽ đo chỉ số ối (AFI – Amniotic Fluid Index) để phân loại mức độ đa ối:
- Chỉ số AFI 25–29.9 cm: Đa ối nhẹ.
- Chỉ số AFI 30–34.9 cm: Đa ối trung bình.
- Chỉ số AFI ≥ 35 cm: Đa ối nặng.
Ngoài ra còn có thể kết hợp đo túi ối góc sâu nhất (MVP). Nếu MVP ≥ 8 cm, cũng được chẩn đoán là đa ối. Bác sĩ có thể kết hợp với siêu âm hình thái học để đánh giá dị tật thai nhi (hệ thần kinh, tiêu hóa, tiết niệu...) hoặc đo cân nặng, nhịp tim, tuần hoàn để loại trừ hội chứng truyền máu song thai (trường hợp mang thai đôi).
Mẹ bầu bị đa ối cần theo dõi chặt chẽ vì dễ dẫn đến chuyển dạ sớm, ngôi thai bất thường, vỡ ối sớm hoặc sa dây rốn.
Đa ối tuần 36 có nguy hiểm không?
Đa ối ở tuần 36 có thể gây nhiều khó chịu cho mẹ bầu như cảm giác bụng căng tức, nặng nề. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được theo dõi sát sao và xử lý đúng cách.
1. Nguy cơ vỡ ối sớm
Một trong những biến chứng thường gặp nhất là tình trạng vỡ ối sớm. Khi nước ối quá nhiều, màng ối bị giãn quá mức và có thể rách bất ngờ, gây vỡ ối ngoài dự kiến. Việc này không chỉ kích hoạt chuyển dạ sớm mà còn làm tăng khả năng nhiễm khuẩn và sa dây rốn.
2. Ngôi thai bất thường
Ở giai đoạn từ tuần 32 - 35, đa số thai nhi sẽ xoay đầu và ổn định ngôi thai để chuẩn bị chào đời. Ngôi thai thuận là khi trục của thai nhi song song với trục của tử cung, giúp việc sinh nở diễn ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp đa ối, lượng nước ối lớn khiến thai nhi dễ thay đổi tư thế, dẫn đến nguy cơ ngôi thai bất thường và gây khó khăn cho quá trình sinh tự nhiên.
3. Nguy cơ sa dây rốn
Khi màng ối bị vỡ đột ngột, áp lực nước ối đổ dồn xuống nhanh chóng có thể đẩy dây rốn xuống trước đầu thai nhi. Tình trạng này được gọi là sa dây rốn. Điều này cản trở quá trình cung cấp máu và oxy cho thai, làm tăng nguy cơ suy thai cấp nếu không được xử trí kịp thời.
Đa ối có thể gây nguy hiểm nếu không được theo dõi, kiểm soát sát sao
Những nguy cơ đa ối cuối thai kỳ chỉ có thể được kiểm soát qua siêu âm và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm:
- Thai 37 Tuần Đa Ối Có Sao Không? Bác Sĩ Chuyên Khoa Giải Đáp
- Nước Ối Ít Phải Làm Sao? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Cải Thiện
Đa ối ở tuần 36 có cần điều trị không?
Đa ối tuần 36 có cần điều trị không phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ đa ối.
1. Trường hợp nhẹ
Nếu mẹ bầu được chẩn đoán đa ối nhẹ và không có dấu hiệu bất thường nào khác (thai nhi phát triển bình thường, không có dị tật, mẹ không bị tiểu đường thai kỳ...), thì chỉ cần theo dõi định kỳ. Mẹ bầu nên kiểm soát chế độ ăn uống, hạn chế vận động, nghỉ ngơi nhiều và khám thai theo hẹn của bác sĩ.
2. Trường hợp đa ối nặng
Nếu lượng nước ối vượt mức an toàn, gây căng tức bụng, khó thở, bụng to nhanh bất thường, hoặc có nguy cơ chuyển dạ sớm, cần can thiệp y tế. Tùy tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ bầu theo dõi tại bệnh viện, đặc biệt nếu có dấu hiệu chuyển dạ sớm, vỡ ối sớm hoặc sa dây rốn.
Đa ối cuối thai kỳ cần được bác sĩ sản khoa theo dõi và chỉ định hướng xử lý phù hợp. Bạn không nên chủ quan vì từ thời điểm này trở đi, mọi biến chứng đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mẹ và bé.
Nếu tình trạng dư ối nặng, kèm đau bụng, ra nước âm đạo, có dấu hiệu chuyển dạ sớm thì nên nhập viện theo dõi sức khỏe
Lưu ý cho mẹ bầu bị đa ối ở tuần 36
Khi được chẩn đoán đa ối ở tuần thai thứ 36, mẹ bầu không nên quá lo lắng. Thay vì hoảng sợ, điều quan trọng là giữ tâm lý ổn định và thực hiện các biện pháp chăm sóc đúng cách để hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng.
1. Quản lý tốt đường huyết nếu có tiểu đường thai kỳ
Nếu nguyên nhân gây đa ối liên quan đến tiểu đường thai kỳ, việc kiểm soát lượng đường trong máu là ưu tiên hàng đầu. Mẹ bầu thắc mắc không biết nên ăn gì khi bị đa ối tuần 36? Bác sĩ dinh dưỡng khuyên hạn chế đường tinh luyện, đồ ngọt và tinh bột hấp thu nhanh. Thay vào đó, hãy bổ sung rau xanh, đạm lành mạnh và ngũ cốc nguyên hạt để ổn định đường huyết. Ngoài ra cũng nên đo đường huyết thường xuyên để theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe.
2. Lưu ý khi sinh hoạt hằng ngày
Ở giai đoạn này, mẹ cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và hạn chế hoạt động mạnh hay đứng lâu, nhằm giảm áp lực lên tử cung. Tư thế ngủ được khuyến nghị là nằm nghiêng sang bên trái – giúp tăng lượng máu nuôi thai nhi và giảm nguy cơ chèn ép tĩnh mạch lớn.
3. Theo dõi thai máy và đi khám đúng lịch
Việc ghi nhận cử động thai mỗi ngày sẽ giúp phát hiện kịp thời các bất thường như thai cử động ít đi hoặc mất hoàn toàn. Mẹ có thể chọn một khung giờ cố định trong ngày để đếm số lần thai máy. Ngoài ra, cần tuân thủ lịch khám thai và siêu âm định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu xuất hiện triệu chứng như đau bụng dữ dội, rỉ ối hoặc dấu hiệu chuyển dạ, hãy đến cơ sở y tế ngay.
Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho chuyển dạ sớm
Tuần 36 là thời điểm gần ngày dự sinh, vì vậy mẹ bầu nên có kế hoạch rõ ràng để chủ động xử lý nếu có tình huống bất ngờ. Mẹ hãy chuẩn bị sẵn kế hoạch dự sinh, làm hồ sơ sinh tại bệnh viện để dự phòng sinh sớm hơn.
Kiểm soát lượng đường huyết thai kỳ là yếu tố quan trọng
Bị đa ối tuần 36 có sinh thường được không?
Mẹ bị đa ối tuần 36 vẫn có thể sinh thường nếu thai nhi có ngôi thuận, lượng nước ối không quá cao và không có yếu tố nguy cơ khác. Tuy nhiên, cần được bác sĩ sản khoa theo dõi sát sao trước và trong chuyển dạ.
Bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ khi đa ối tuần 36 kèm theo biểu hiện suy thai, sa dây rốn,….
Mẹ bầu bị đa ối ở tuần 36: Khi nào nên đến bệnh viện ngay?
Mẹ bầu bị đa ối ở tuần 36 nên đến bệnh viện ngay khi xuất hiện một trong những dấu hiệu sau:
- Cảm giác bụng căng tức quá mức, khó thở, đau vùng thượng vị
- Ra nước âm đạo đột ngột có thể là biểu hiện của vỡ ối sớm cần phải kiểm tra ngay.
- Thai máy yếu hoặc ngừng cử động là dấu hiệu nguy hiểm.
- Tăng huyết áp, đau đầu, hoa mắt, phù nề chân nghi ngờ tiền sản giật cần được theo dõi.
- Đau bụng từng cơn, ra máu âm đạo,… là biểu hiện chuyển dạ sớm cần đến bệnh viện ngay.
Kết luận
Đa ối tuần 36 là tình trạng không thể chủ quan, đặc biệt khi thai kỳ đã bước vào giai đoạn cuối. Bạn nên theo dõi sát sao sức khỏe, tuân thủ chỉ định của bác sĩ, kết hợp chế độ ăn uống khoa học để kiểm soát tốt tình trạng đa ối, hạn chế nguy cơ biến chứng trong quá trình sinh nở. Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng hoặc cần được tư vấn chuyên sâu, theo dõi thai kỳ, hãy đến Trung tâm Y học Bào thai – Bệnh viện Đại học Phenikaa (PhenikaaMec) để được hỗ trợ. Với đội ngũ chuyên gia sản khoa giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất hiện đại và sự đồng hành tận tâm, PhenikaaMec luôn sẵn sàng hỗ trợ mẹ và bé trong suốt hành trình thai sản. Bạn hãy liên hệ trực tiếp qua hotline: 1900 886648 để được tư vấn và đặt lịch khám sớm nhất.
Chúc mẹ Ngọc Thúy khỏe mạnh, vượt cạn thành công nhé!