iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Bào Thai

icon

Nước Ối Ít Phải Làm Sao? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Cải Thiện

Nước Ối Ít Phải Làm Sao? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Cải Thiện

Nước Ối Ít Phải Làm Sao? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Cải Thiện
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Nước ối ít phải làm sao là nỗi lo của nhiều mẹ bầu khi mang thai. Tình trạng này nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và hướng dẫn chi tiết cách cải thiện lượng nước ối an toàn, hiệu quả theo khuyến cáo của bác sĩ sản khoa.

Nước ối ít là gì?

Thiểu ối có nghĩa là lượng nước ối ít hơn bình thường. Bác sĩ sẽ chẩn đoán thông qua siêu âm, đo chỉ số AFI để xác định chính xác.

Một thai kỳ được coi là bị thiếu ối khi chỉ số AFI thấp hơn 5cm, thể tích nước ối dưới 500ml. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng phổ biến nhất là vào tam cá nguyệt thứ ba. Ước tính có khoảng 8% mẹ bầu gặp phải thiểu ối, trong đó khoảng 4% được xác định bị thiếu nước ối nghiêm trọng.

Nước ối có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thai nhi

Nước ối có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thai nhi

Nguyên nhân gây nước ối ít là gì?

Tình trạng nước ối ít (thiểu ối) có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, được chia thành 3 nhóm chính:

1. Nguyên nhân từ phía mẹ bầu

Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp từ sức khỏe của mẹ có thể ảnh hưởng đến lượng nước ối:

  • Các bệnh lý như tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ có thể làm giảm lưu lượng máu đến rau thai. Điều này khiến quá trình trao đổi oxy và dinh dưỡng bị suy giảm, dẫn đến giảm lượng nước ối.
  • Mẹ uống không đủ nước (dưới 2 lít/ngày), ăn ít rau quả, mất cân bằng điện giải có thể dẫn đến thiểu ối.
  • Một số thuốc như thuốc ức chế men chuyển, NSAIDs có thể ảnh hưởng đến chức năng thận thai nhi. Điều này làm giảm bài tiết nước tiểu - thành phần chính của nước ối.
  • Làm việc quá sức, căng thẳng kéo dài dẫn đến giảm tưới máu rau thai và ảnh hưởng đến sự hình thành nước ối.

2. Nguyên nhân từ phía thai nhi

Các vấn đề phát triển ở thai nhi có thể gây thiểu ối bao gồm:

  • Dị tật bẩm sinh ở thận và hệ tiết niệu.
  • Thai chậm tăng trưởng trong tử cung (IUGR).
  • Thai quá ngày (sau 40 tuần) làm giảm mạnh lượng nước ối.
  • Thai chết lưu.

3. Nguyên nhân từ phần phụ của thai

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ ít ối khi mang thai như:

  • Rỉ ối hoặc vỡ ối sớm khiến lượng ối trong buồng tử cung giảm dần.
  • Bất thường ở rau thai như: Bánh rau kém phát triển, co cụm sẽ làm giảm nguồn cung cấp máu cho thai, ảnh hưởng gián tiếp đến lượng nước ối.
  • Song thai cùng bánh rau có thể xảy ra hội chứng truyền máu song thai khiến một thai nhận ít máu hơn và ít nước ối hơn.

Trong một số trường hợp, không xác định được nguyên nhân cụ thể được gọi là thiểu ối vô căn. Dù nguyên nhân là gì, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, tình trạng ít nước ối có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi và quá trình sinh con.

Dấu hiệu nhận biết bị thiểu ối khi mang thai

Thiểu ối thường diễn ra âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết qua các dấu hiệu sau:

  • Thai máy giảm, thai đạp yếu đi, mẹ khó nhận biết được hoạt động của bé.
  • Bụng nhỏ hơn so với tuổi thai.
  • Rò rỉ dịch ối kéo dài có thể gây thiểu ối nếu không phát hiện sớm.
  • Cảm giác căng tức bụng, khó chịu, đau thắt vùng hạ vị.

Phương pháp chẩn đoán thiểu ối

1. Phương pháp siêu âm

Để chẩn đoán thiểu ối chính xác nhất cần áp dụng phương pháp siêu âm thai. Bác sĩ sẽ đo chỉ số nước ối (AFI – Amniotic Fluid Index). Nếu chỉ số AFI < 5cm hoặc góc ối sâu nhất (MPV) < 2cm, được xác định là thiểu ối. Ngoài ra, siêu âm còn giúp phát hiện những bất thường kèm theo như: Thai chậm tăng trưởng, dị tật bẩm sinh, bánh nhau canxi hóa sớm hoặc rỉ ối.

2. Xét nghiệm liên quan

Bên cạnh siêu âm, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm hỗ trợ như:

  • Kiểm tra dịch âm đạo khi nghi ngờ có rỉ ối.
  • Doppler động mạch rốn để kiểm tra tuần hoàn nhau thai.
  • Non-stress test (NST) để đánh giá nhịp tim thai.

Việc phát hiện và theo dõi sớm tình trạng thiểu ối giúp bác sĩ đưa ra hướng xử trí phù hợp, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ.

Nước ối ít phải làm sao: 6 cách cải thiện xiệu quả

Khi được bác sĩ chẩn đoán bị thiểu ối (nước ối ít), mẹ bầu cần có giải pháp kịp thời để cải thiện tình trạng này, tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định chuyên môn từ bác sĩ, mẹ có thể áp dụng những cách sau để tăng lượng nước ối tự nhiên và đảm bảo sức khỏe toàn diện cho cả mẹ và bé.

1. Duy trì vận động nhẹ nhàng mỗi ngày

Ít ối phải làm sao là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bầu. Bác sĩ chuyên khoa khuyên bạn nên thực hiện hoạt động thể chất phù hợp giúp tăng cường tuần hoàn máu đến tử cung và rau thai. Đây là yếu tố quan trọng giúp thai nhi phát triển và tăng tiết nước tiểu, dẫn đến tăng lượng ối. Mỗi ngày, mẹ bầu nên dành 30 - 45 phút tập các bài tập nhẹ như đi bộ, yoga bầu, ngồi thiền thư giãn. Những hoạt động này vừa giúp mẹ khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, vừa góp phần làm tăng lượng nước ối tự nhiên.

2. Nằm nghiêng trái

Mẹ bầu lo lắng nước ối ít thì phải làm sao, nên nằm ngủ tư thế nào? Tư thế nằm nghiêng bên trái được các chuyên gia khuyến khích vì giúp máu lưu thông tốt hơn đến nhau thai. Khi máu được cung cấp đều đặn, tử cung và thai nhi nhận đủ oxy và dưỡng chất, nhờ đó quá trình bài tiết nước tiểu của thai diễn ra ổn định hơn, giúp cải thiện chỉ số nước ối.

Nghỉ ngơi hợp lý giúp điều tiết lượng máu, dưỡng chất đến thai nhi

Nghỉ ngơi hợp lý giúp điều tiết lượng máu, dưỡng chất đến thai nhi

3. Uống đủ nước

Câu hỏi “nước ối ít nên uống gì?” là thắc mắc phổ biến của nhiều mẹ bầu. Việc uống đủ 2–2.5 lít nước mỗi ngày là điều cơ bản, nhưng mẹ cũng nên bổ sung thêm các loại nước dinh dưỡng như:

  • Nước dừa: Nếu bạn không gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ thì nước dừa là nguồn cung cấp chất điện giải tự nhiên, ổn định huyết áp, giảm nguy cơ mất nước và giúp cải thiện lượng ối. Tuy nhiên, cũng chỉ nên duy trì 2 - 3 quả/ tuần.
  • Nước ép trái cây (cam, táo, ổi…): Hỗ trợ cung cấp vitamin và chất xơ, làm mát cơ thể và tăng chỉ số ối một cách tự nhiên.

Tìm hiểu thêm:

4. Tăng cường dinh dưỡng

Ngoài đồ uống, chế độ ăn cũng đóng vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ cải thiện nước ối. Mẹ nên:

  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây mọng nước như dưa hấu, bưởi, lê, dưa chuột…
  • Bổ sung thực phẩm giàu protein như trứng, cá, đậu phụ, sữa.
  • Ưu tiên các món canh, súp, cháo loãng để vừa dễ tiêu hóa, vừa cung cấp nước.

Chế độ ăn đầy đủ và khoa học không chỉ cải thiện nước ối mà còn giúp thai nhi phát triển vị giác trong giai đoạn cuối thai kỳ.

5. Tránh xa các thực phẩm, đồ uống làm mất nước

Một số thực phẩm và đồ uống có thể khiến cơ thể mẹ mất nước nhanh chóng, làm giảm lượng nước ối, bao gồm:

  • Cà phê, trà, nước có ga: Có tác dụng lợi tiểu nhưng dễ gây mất nước nếu dùng thường xuyên.
  • Rượu bia, chất kích thích: Ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh của thai nhi và làm giảm khả năng hấp thu dưỡng chất.
  • Đồ ăn mặn, cay nóng: Làm tăng nguy cơ giữ nước, ảnh hưởng đến tuần hoàn và chỉ số ối.

6. Khám thai định kỳ để theo dõi chỉ số nước ối

Khám thai đúng lịch là điều không thể thiếu với những mẹ bầu có nguy cơ hoặc đang bị thiếu ối. Bác sĩ sẽ theo dõi sự thay đổi của chỉ số nước ối (AFI), đồng thời đánh giá sự phát triển của thai nhi. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp như điều chỉnh chế độ sinh hoạt đến can thiệp y tế nếu cần thiết.

Xác định lượng ối chính xác được thực hiện thông qua siêu âm

Xác định lượng ối chính xác được thực hiện thông qua siêu âm

Thiểu ối khi nào cần điều trị?

Thiểu ối có cần điều trị không phụ thuộc vào thời điểm phát hiện, mức độ ít nước ối, tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.

1. Thiểu ối ở tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu)

Thiểu ối sớm có thể kèm theo bất thường về phôi thai (thai ngừng phát triển, dị tật nặng hoặc mất tim thai). Ít nước ối ở giai đoạn sớm thường liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể làm cho phôi thai không còn khả năng phát triển.

2. Thiểu ối ở tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa)

Thiểu ối kèm theo triệu chứng thai nhi có dấu hiệu chậm phát triển trong tử cung (IUGR), phát hiện dị tật bẩm sinh ở thận, đường tiết niệu gây giảm bài tiết nước tiểu hoặc chỉ số nước ối AFI quá thấp. Bác sĩ có thể chỉ định:

  • Truyền ối nếu cần thiết.
  • Cân nhắc sử dụng thuốc trưởng thành phổi nếu có nguy cơ sinh non.
  • Kết hợp theo dõi siêu âm hàng tuần.

3. Thiểu ối ở tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối)

Đa số các ca thiểu ối xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị khi nhận thấy chỉ số ối giảm liên tục qua các lần siêu âm, thai máy yếu, có biểu hiện suy thai, bánh nhau canxi hóa sớm, ít nước ối nặng.

Bác sĩ sẽ chỉ định:

  • Theo dõi tim thai và chỉ số ối.
  • Truyền ối nếu cần thiết.
  • Dùng thuốc trưởng thành phổi nếu thai chưa đủ tháng.

Khi thai đạt 37 tuần hoặc có nguy cơ đe dọa tính mạng của thai nhi và mẹ, bác sĩ sẽ chỉ định khởi phát chuyển dạ hoặc mổ lấy thai sớm.

Mẹ bầu chưa biết thiểu ối phải làm sao thì hãy đến bệnh viện chuyên khoa để được đánh giá nguyên nhân, mức độ và có phác đồ theo dõi cụ thể.

Mẹ bầu thiểu ối: Khi nào nên đi khám ngay?

Trong suốt thai kỳ, việc theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi là rất cần thiết. Nếu mẹ bầu gặp phải những dấu hiệu bất thường dưới đây thì nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được kiểm tra. Cụ thể:

  • Thai nhi đạp ít hơn bình thường hoặc không thấy cử động trong nhiều giờ là dấu hiệu cảnh báo cần được thăm khám ngay.
  • Cảm giác đau âm ỉ kéo dài, đau quặn từng cơn hoặc ra nước từ âm đạo có thể liên quan đến vỡ ối sớm hoặc các biến chứng thai kỳ khác.
  • Bụng căng cứng liên tục, tức nặng vùng bụng dưới có thể báo hiệu tình trạng co bóp tử cung sớm, nguy cơ sinh non hoặc thiếu nước ối cần được theo dõi.

Nếu từng gặp phải các biến chứng trong lần mang thai trước như thiểu ối, thai kém phát triển trong tử cung thì mẹ nên đi khám định kỳ sớm và thường xuyên hơn để phòng ngừa tái phát.

Tùy vào từng tình trạng thiểu ối, từng giai đoạn mang thai mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử lý hiệu quả an toàn

Tùy vào từng tình trạng thiểu ối, từng giai đoạn mang thai mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử lý hiệu quả an toàn

Kết luận

Tình trạng nước ối ít khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được theo dõi và can thiệp kịp thời. Hy vọng với những thông tin trên, mẹ bầu đã hiểu rõ nước ối ít phải làm sao để cải thiện hiệu quả, an toàn. Việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đủ nước, vận động hợp lý và thăm khám định kỳ sẽ giúp mẹ kiểm soát tốt tình trạng thiếu ối, đồng thời đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, trọn vẹn.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc cần tư vấn chuyên sâu, đừng ngần ngại đến Trung tâm Y học bào thai Bệnh viện Đại học Phenikaa (PhenikaaMec) để được các bác sĩ sản khoa hỗ trợ kịp thời. Liên hệ ngay hotline: 1900 886648 để đặt lịch khám và nhận tư vấn từ chuyên gia.

calendarNgày cập nhật: 06/07/2025

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

right

Chủ đề :