Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới chuyên mục Hỏi - Đáp của Bệnh viện Đại học Phenikaa. Với trường hợp thai 37 tuần đa ối có sao không, đây là vấn đề khá phổ biến trong giai đoạn cuối thai kỳ và mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào lượng nước ối cũng như sức khỏe của thai nhi.
Thông thường, nếu chỉ đa ối nhẹ và em bé phát triển tốt, bác sĩ có thể cho theo dõi tại nhà kết hợp siêu âm định kỳ. Tuy nhiên, nếu nước ối tăng nhiều, mẹ có biểu hiện như đau bụng, bụng căng tức, giảm cử động thai hoặc có dấu hiệu chuyển dạ sớm, bạn nên nhập viện để được theo dõi kỹ lưỡng. Mục tiêu là đảm bảo an toàn tối đa cho cả mẹ và bé trước khi sinh.
Đa ối tuần 37 là gì?
Đa ối (Polyhydramnios) là tình trạng nước ối tích tụ quá mức trong tử cung. Thông thường, sau tuần thai thứ 37, thể tích nước ối có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, nếu lượng nước ối tiếp tục tăng lên, đạt 2 lít trở lên, thậm chí lên tới 3 lít, thì có thể được xem là đa ối mức độ nặng.
Mặc dù không phải lúc nào đa ối cũng gây nguy hiểm. Nhưng nếu không được theo dõi kỹ, tử cung bị căng giãn quá mức có thể khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi, đặc biệt trong những tuần cuối của thai kỳ.
Nguyên nhân dẫn đến đa ối ở thai 37 tuần?
Mặc dù ở tuần thai 37, thai nhi đã phát triển gần như hoàn chỉnh, nhưng nước ối tăng nhiều vẫn có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thường bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:
1. Do tiểu đường thai kỳ
Mẹ mắc tiểu đường thai kỳ có thể làm tăng lượng nước ối. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất.
2. Dị tật thai nhi
Một số bất thường nhẹ ở hệ tiêu hóa hoặc thần kinh của thai có thể khiến thai nhi không nuốt đủ nước ối dẫn đến tồn đọng nhiều ối hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân này thường rất thấp ở tuần thai 37.
3. Nhiễm trùng bào thai
Các nhiễm khuẩn như giang mai, Rubella, Toxoplasma… có thể gây phản ứng viêm làm tăng tiết dịch trong buồng ối.
4. Không rõ nguyên nhân
Khoảng 30–50% các trường hợp đa ối không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Trong những trường hợp này, mẹ và bé vẫn có thể an toàn nếu được theo dõi sát.
Chẩn đoán đa ối ở tuần thai 37
1. Triệu chứng đa ối
Mẹ bầu có các dấu hiệu dưới đây nên cẩn trọng với nguy cơ đa ối:
- Bụng to bất thường so với tuổi thai.
- Khó thở, hụt hơi khi hoạt động.
- Cảm giác nặng nề, khó chịu.
- Khó cảm nhận chuyển động thai.
Căng tức ở vùng bụng, bụng to bất thường có thể là dấu hiệu của đa ối
2. Siêu âm đo chỉ số ối (AFI – Amniotic Fluid Index)
Đây là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất. Khi siêu âm, bác sĩ sẽ thực hiện kỹ thuật chia bụng mẹ thành 4 góc phần tư và đo chiều sâu túi ối lớn nhất ở mỗi vùng, sau đó cộng lại để được chỉ số AFI.
Mẹ bầu sẽ được chẩn đoán đa ối khi AFI > 25cm, hoặc góc ối sâu nhất > 8cm. Tuần 37 là thời điểm cuối thai kỳ. Vì vậy, siêu âm ối rất quan trọng để xác định có cần can thiệp hay theo dõi sát không.
3. Các xét nghiệm đi kèm nếu cần thiết
Tùy vào kết quả siêu âm và nghi ngờ nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân, bao gồm:
- Xét nghiệm đường huyết, HbA1C
- Tầm soát nhiễm trùng bào thai (Rubella, CMV, giang mai, Toxoplasma...)
Đa ối có thể nhận biết chính xác qua siêu âm
Thai 37 tuần đa ối có sao không?
Khi nhận kết quả siêu âm cho thấy lượng nước ối cao hơn bình thường, nhiều mẹ bầu không khỏi lo lắng và đặt ra câu hỏi: “Thai 37 tuần đa ối có sao không?”. Trên thực tế, tình trạng này không phải lúc nào cũng đáng lo ngại, đặc biệt nếu chỉ ở mức nhẹ và thai nhi vẫn phát triển bình thường, tim thai ổn định, không kèm theo bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Trong nhiều trường hợp, mẹ vẫn có thể sinh con an toàn và khỏe mạnh mà không gặp biến chứng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu ở mức trung bình hoặc nặng, cần đặc biệt lưu ý vì có thể kéo theo nhiều rủi ro:
1. Nguy cơ sinh non
Lượng nước ối nhiều làm tử cung giãn to quá mức, dễ gây kích thích cơn co tử cung và dẫn đến chuyển dạ sớm.
2. Ngôi thai không thuận
Đa ối tuần 37 khiến thai nhi khó cố định vị trí, có thể nằm ngôi mông, ngôi ngang hoặc xoay chuyển bất thường, gây khó khăn cho việc sinh thường.
3. Vỡ ối sớm và sa dây rốn
Đây là biến chứng nguy hiểm, khi dây rốn bị chèn ép có thể làm giảm hoặc ngưng dòng máu và oxy đến thai nhi, đòi hỏi phải can thiệp khẩn cấp.
4. Rối loạn hô hấp sau sinh
Trẻ sinh non do đa ối có thể chưa phát triển đầy đủ phổi, dễ gặp suy hô hấp sau sinh.
Đa ối tuần 37 đa phần không gây ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi
Đa ối ở 37 tuần có cần điều trị không?
Đa ối ở tuần thai thứ 37 có cần điều trị không phụ thuộc vào mức độ đa ối, sự phát triển của thai nhi và các yếu tố nguyên nhân như: Tiểu đường thai kỳ hoặc bất thường bẩm sinh. Mỗi trường hợp sẽ có đánh giá và hướng xử trí riêng, do đó mẹ bầu nên:
1. Theo dõi chỉ số ối thường xuyên
Mẹ bầu cần khám thai định kỳ bằng siêu âm, thường khuyến cáo 1 lần/ tuần. Qua đó, bác sĩ sẽ theo dõi: Chỉ số nước ối (AFI), tình trạng phát triển của thai nhi, nhịp tim thai và biến động lượng nước ối theo thời gian.
Nếu nghi ngờ có nguyên nhân tiềm ẩn, mẹ sẽ được chỉ định xét nghiệm đường huyết để kiểm tra tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, mẹ bầu còn được chỉ định siêu âm hình thái học nhằm tầm soát dị tật thai.
2. Điều trị theo nguyên nhân (nếu có)
Nếu mẹ mắc tiểu đường thai kỳ cần kiểm soát chặt chẽ bằng chế độ ăn hợp lý, tập luyện nhẹ nhàng, test đường huyết hàng ngày theo hướng dẫn và dùng thuốc theo đúng chỉ định nếu cần thiết.
Nếu có biểu hiện nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê kháng sinh phù hợp để xử lý tác nhân gây bệnh.
Trường hợp phát hiện bất thường thai nhi: Sản phụ sẽ được theo dõi sát, phối hợp với bác sĩ chuyên khoa để có hướng can thiệp kịp thời.
3. Dự phòng sinh sớm hơn nếu có biến chứng
Nếu đa ối gây nguy cơ cao như: Vỡ ối sớm, ngôi thai bất thường, suy thai hoặc chuyển dạ sớm... bác sĩ có thể chủ động chỉ định sinh sớm để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và em bé.
Việc can thiệp y tế ở tuần 37 sẽ phụ thuộc vào mức độ và tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi
Tham khảo thêm:
Mẹ bầu đa ối tuần 37 có thể sinh thường không?
Ngoài việc tìm hiểu thai 37 tuần đa ối có sao không, khả năng sinh thường trong trường hợp này cũng là vấn đề được nhiều mẹ bầu quan tâm. Thực tế, khả năng sinh thường hay sinh mổ sẽ phụ thuộc vào mức độ và tình trạng sức khỏe của thai nhi cũng như mẹ.
Nếu mẹ chỉ bị đa ối nhẹ, thai phát triển ổn định, ngôi thai thuận và không có dấu hiệu bất thường thì sinh thường hoàn toàn có thể diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ y tế. Tuy nhiên trong trường hợp nặng, đặc biệt khi đi kèm với các yếu tố nguy cơ như ngôi thai ngược, sa dây rốn, tim thai không ổn định hoặc dấu hiệu chuyển dạ sớm, bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm an toàn cho cả mẹ lẫn con.
Nếu cơ thể khỏe mạnh không có dấu hiệu bất thường thì có thể theo dõi sinh thường
Lưu ý quan trọng cho mẹ bầu bị đa ối ở tuần 37
Đa ối ở tuần 37 là tình trạng cần được quan tâm đúng mức, bởi đây là giai đoạn cuối thai kỳ và có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chuyển dạ cũng như sức khỏe của mẹ lẫn bé. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mẹ bầu cần quan tâm:
1. Nghỉ ngơi hợp lý và tránh vận động quá sức
Mẹ bầu cần đặc biệt chú trọng đến việc nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế vận động mạnh, tránh leo cầu thang nhiều, di chuyển xa hoặc làm việc nặng. Tình trạng đa ối khiến tử cung bị căng quá mức, nếu hoạt động quá sức có thể gây cơn gò tử cung sớm, làm tăng nguy cơ vỡ ối đột ngột hoặc chuyển dạ trước ngày dự sinh.
2. Chủ động kiểm soát yếu tố nguy cơ
Để thai kỳ tiến triển an toàn, mẹ bầu cần xây dựng lối sống lành mạnh, đặc biệt nếu thuộc nhóm nguy cơ cao như: Béo phì, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ... Việc điều chỉnh chế độ ăn khoa học, duy trì chỉ số đường huyết và huyết áp ổn định, dùng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ sẽ góp phần giảm nguy cơ biến chứng.
3. Thay đổi chế độ ăn uống
Mẹ bầu nên ưu tiên thực phẩm lợi tiểu tự nhiên như: Bí đao, dưa leo, cần tây, măng tây… Tuy nhiên, bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống hoặc biện pháp giảm nước ối cũng nên trao đổi trước với bác sĩ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả mẹ và thai nhi.
4. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc lợi tiểu
Một số mẹ bầu vì quá lo lắng đã tự ý uống thuốc lợi tiểu với hy vọng làm giảm nước ối – đây là hành động rất nguy hiểm. Các loại thuốc này có thể gây mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến môi trường ối bao quanh thai nhi và làm rối loạn chuyển hóa.
Nghỉ ngơi hợp lý là điều cần thiết khi bị đa ối ở tuần 37
Bị đa ối ở tuần 37: Khi nào nên đến bệnh viện ngay?
Đa ối ở tuần 37 là một tình trạng không thể chủ quan, vì đây là giai đoạn cuối thai kỳ – khi em bé đã gần đủ ngày đủ tháng để chào đời. Mặc dù nhiều trường hợp nhẹ không gây biến chứng, nhưng vẫn có thể tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng. Mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các dấu hiệu sau:
1. Cảm giác bụng căng tức dữ dội hoặc đau bụng từng cơn
Tử cung bị kéo giãn quá mức do nước ối nhiều có thể gây cơn gò tử cung sớm. Nếu mẹ thấy bụng cứng, đau quặn từng đợt là dấu hiệu chuyển dạ sớm.
2. Thai máy yếu đi hoặc không cảm nhận được thai máy
Đa ối có thể làm giảm khả năng cảm nhận chuyển động của thai. Nếu thai đạp yếu hơn bình thường, cần đi kiểm tra tim thai ngay để loại trừ nguy cơ suy thai.
3. Ra nước âm đạo nhiều bất thường hoặc vỡ ối sớm
Nước ối ra đột ngột, không mùi, không kiểm soát được đều là những dấu hiệu vỡ ối. Nếu kèm theo đau bụng hoặc ra máu, mẹ bầu phải nhập viện ngay để theo dõi nguy cơ sa dây rốn, suy thai.
4. Khó thở, tức ngực, chóng mặt khi nằm ngửa
Nước ối nhiều làm tử cung chèn ép cơ hoành và mạch máu lớn, gây khó chịu, choáng váng đều là những dấu hiệu cảnh báo tử cung đang quá tải.
5. Có dấu hiệu chuyển dạ sớm
Các biểu hiện: Ra dịch nhầy hồng, gò bụng đều đặn, đau vùng thắt lưng... có thể là báo hiệu sinh non.
Nếu mẹ bầu thấy bất kỳ biểu hiện nào kể trên, hãy đến cơ sở y tế có chuyên khoa sản ngay để được theo dõi và xử lý kịp thời.
Kết luận
Những thông tin chia sẻ trên đã giúp giải đáp đầy đủ và rõ ràng cho băn khoăn "thai 37 tuần đa ối có sao không". Nếu cơ thể mẹ bầu khỏe mạnh, thai nhi phát triển ổn định và không có triệu chứng bất thường nào, mẹ cũng không nên quá lo lắng. Điều quan trọng là duy trì tinh thần thoải mái và chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường nếu có. Để được theo dõi và chăm sóc toàn diện trong suốt thai kỳ, mẹ bầu nên đến khám tại Bệnh viện Đại học Phenikaa (PhenikaaMec) – nơi hội tụ đội ngũ bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị hiện đại và môi trường y tế an toàn, thân thiện. Nếu cần hỗ trợ, mẹ có thể liên hệ hotline: 1900 886648 để được tư vấn và đặt lịch khám trong thời gian sớm nhất. PhenikaaMec luôn sẵn sàng đồng hành cùng mẹ trên hành trình mang thai khỏe mạnh và vượt cạn an toàn.
Chúc mẹ Hoàng Lan có thai kỳ khỏe mạnh và sinh nở an toàn!