iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Nhi Sơ Sinh

icon

Trẻ sinh non 28 tuần là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và cách chăm sóc

Trẻ sinh non 28 tuần là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và cách chăm sóc

Trẻ sinh non 28 tuần là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và cách chăm sóc
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Trẻ sinh non 28 tuần có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng cơ hội sống sót vẫn khá cao nếu được chăm sóc đúng cách. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ chi tiết về nguyên nhân khiến trẻ bị sinh non ở tuần 28, các nguy cơ sức khỏe có thể gặp và cách chăm sóc.

Trẻ sinh non 28 tuần là gì?

Thông thường, cần khoảng 38 tuần để thai nhi có thể phát triển và hoàn toàn tất cả cơ quan trong cơ thể để sẵn sàng chào đời. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ sẽ sinh ra sớm hơn ngày dự sinh vài ngày, thậm chí đến vài tuần. Đối với các trẻ sinh ra từ cuối thai kỳ tuần thứ 22 đến trước tuần thứ 37 gọi là sinh non. Trong đó, trẻ sinh vào tuần thứ 28 là thuộc mức độ sinh rất non.

Trẻ sinh ở tuần 28 thuộc mức độ sinh rất non

Trẻ sinh ở tuần 28 thuộc mức độ sinh rất non

Trẻ có tuần thai khi sinh ra càng thấp thì nguy cơ gặp biến chứng càng cao thậm chí là tử vong. Đặc biệt hơn nữa đối với những trường hợp sinh ra trước 32 tuần, cả mẹ và bé đều có thể phải đối diện với rất nhiều rủi ro về sức khỏe.

Dấu hiệu nhận biết trẻ sinh non 28 tuần

Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn và can thiệp kịp thời:

  • Đau lưng âm ỉ kéo dài: Cơn đau lưng có thể xuất hiện một cách dai dẳng và không giảm dù đã nghỉ ngơi.
  • Cảm giác em bé đẩy xuống dưới: Nếu bạn cảm thấy em bé dường như đè nặng về phía dưới vùng chậu, có thể đây là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang chuyển động về phía đường sinh sớm hơn dự kiến.
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy: Bạn có thể gặp các triệu chứng này mà không liên quan đến các nguyên nhân khác như thực phẩm hoặc nhiễm trùng.
  • Đau quặn bụng giống như đau bụng kinh: Cảm giác đau quặn bụng, đặc biệt nếu xuất hiện liên tục hoặc theo chu kỳ, có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chuẩn bị cho việc chuyển dạ.
  • Dịch âm đạo hoặc máu bất thường: Dịch tiết âm đạo có màu hồng, nâu hoặc có máu kèm theo có thể là dấu hiệu của vỡ ối hoặc vấn đề liên quan đến tử cung, làm tăng nguy cơ sinh non.

Mẹ có dấu hiệu sinh non thường bị đau tức bụng kéo dài âm ỉ

Mẹ có dấu hiệu sinh non thường bị đau tức bụng kéo dài âm ỉ

Nguyên nhân khiến trẻ sinh non 28 tuần

Trẻ sinh non ở tuần 28 có thể xuất phát từ nhiều yếu tố và dưới đây là một số yếu tố chính các mẹ bầu cần lưu ý:

  • Tiền sử sinh non.
  • Mang thai đôi hoặc đa thai (>2 thai).
  • Khoảng cách giữa các lần mang thai quá ngắn, khiến cơ thể chưa kịp phục hồi sau lần sinh trước.
  • Tiền sử phẫu thuật, can thiệp vào hệ thống sinh sản như sảy thai, nạo phá thai hoặc phẫu thuật liên quan đến cổ tử cung, tử cung.
  • Gặp các vấn đề sức khỏe trong thai kỳ như viêm nhiễm phụ khoa, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật,...
  • Mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn đông máu, bệnh tim, gây ảnh hưởng đến thai kỳ.
  • Nhau thai có vấn đề bất thường như nhau bong non, suy bánh nhau,...
  • Chấn thương, đặc biệt ở vùng bụng trong thời gian mang thai.
  • Tiếp xúc hoặc sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, ma túy hoặc hóa chất độc hại.
  • Thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ăn uống thiếu chất, làm việc quá sức, khuân vác đồ nặng hoặc căng thẳng kéo dài.
  • Trước khi mang thai bị thừa cân hoặc thiếu cân.
  • Mang thai nhờ vào các biện pháp hỗ trợ sinh sản.

Những yếu tố này đều có thể tăng nguy cơ sinh non và cần được theo dõi, chăm sóc cẩn thận trong suốt thai kỳ.

Việc mang thai đôi thường có nguy cơ sinh non rất cao

Việc mang thai đôi thường có nguy cơ sinh non rất cao

Biến chứng thường gặp

Trẻ sinh non 28 tuần tuổi đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ không chỉ trong giai đoạn đầu mà còn suốt đời. Các nguy cơ chính đối với trẻ sinh ở tuần 28 bao gồm:

Vấn đề hô hấp

Mặc dù phổi của trẻ ở tuần thứ 28 đã bắt đầu sản sinh Surfactant (từ tuần thứ 26), nhưng lượng này vẫn chưa đủ để phổi hoạt động hoàn chỉnh. Vì vậy, nếu trẻ sinh non ở tuần 28 có thể đối mặt với hội chứng suy hô hấp, ngưng thở hoặc loạn sản phế quản phổi nếu không được hỗ trợ y tế kịp thời.

Vấn đề tim mạch

Một nguy cơ có thể xảy ra đối với trẻ sinh non 28 tuần chính là các vấn đề liên quan đến tim mạch. Một số tình trạng như còn ống động mạch (PDA) và huyết áp thấp thường gặp ở trẻ sinh non, có thể dẫn đến suy tim hoặc các vấn đề tim mạch khác.

Trẻ sinh non thường gặp vấn đề về hô hấp và tim mạch

Trẻ sinh non thường gặp vấn đề về hô hấp và tim mạch

Một số nguy cơ nguy hiểm khác

  • Nguy cơ xuất huyết não: Trẻ sinh non có khả năng cao bị xuất huyết não thất, điều này có thể gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc dẫn đến bại não.
  • Khả năng kiểm soát nhiệt độ kém: Trẻ sinh non chưa thể duy trì nhiệt độ cơ thể, dễ bị hạ thân nhiệt, từ đó gây ra các vấn đề về hô hấp và rối loạn đường huyết.
  • Chậm phát triển về học tập và hành vi: Trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc học tập và phát triển hành vi, thậm chí mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong tương lai.
  • Hệ miễn dịch yếu: Trẻ sinh non dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng nặng có thể đe dọa tính mạng.
  • Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện: Trẻ sinh non có nguy cơ cao mắc các vấn đề tiêu hóa như viêm ruột hoại tử (NEC) và rối loạn chuyển hóa do hệ tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ.
  • Thiếu máu và vàng da sơ sinh: Đây là những vấn đề phổ biến do cơ thể trẻ sinh non chưa đủ khả năng sản xuất đủ lượng hồng cầu cần thiết.
  • Vấn đề về thị giác và thính giác: Trẻ sinh non có nguy cơ cao gặp các rối loạn về thị giác và thính giác do các cơ quan này chưa hoàn thiện.

Những nguy cơ trên yêu cầu sự chăm sóc đặc biệt từ các bác sĩ và sự chú ý liên tục của gia đình để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho trẻ.

Cách chăm sóc trẻ sinh non 28 tuần

Đối với trẻ sinh non vào tuần thứ 28, việc chăm sóc điều trị cực kỳ quan trọng để đảm bảo sức khỏe và tính mạng.

Chăm sóc ban đầu cho trẻ sinh non 28 tuần

Khi vừa chào đời, trẻ sinh non 28 tuần sẽ được các bác sĩ Hồi sức Sơ sinh hỗ trợ ổn định thân nhiệt và hô hấp. Sau đó, trẻ sẽ được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt (NICU) và chăm sóc trong lồng ấp với độ ẩm và nhiệt độ phù hợp để ổn định thân nhiệt và tránh mất nước.

Theo dõi sức khỏe trẻ sinh non và thực hiện nuôi dưỡng

Trong NICU, trẻ sẽ được theo dõi huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và thân nhiệt liên tục. Hỗ trợ hô hấp sẽ được cung cấp nếu cần và trẻ sẽ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ qua ống sonde dạ dày với lượng nhỏ. Các chất dinh dưỡng và thuốc cũng được truyền qua đường tĩnh mạch, với sự theo dõi kỹ lưỡng từ các bác sĩ để xử lý kịp thời nếu có bất kỳ nguy cơ nào.

Trẻ sinh non 28 tuần thường sẽ được chăm sóc tại phòng chăm sóc đặc biệt

Trẻ sinh non 28 tuần thường sẽ được chăm sóc tại phòng chăm sóc đặc biệt

Chăm sóc trẻ sinh non theo phương pháp Kangaroo

Khi trẻ có khả năng tự điều hòa thân nhiệt tốt hơn, bác sĩ sẽ khuyến khích cha mẹ sử dụng phương pháp chăm sóc Kangaroo (Kangaroo Mother Care). Đây là cách tăng cường tiếp xúc da kề da, giúp bé ổn định thân nhiệt và tạo mối liên kết tình cảm chặt chẽ hơn. Mẹ có thể trò chuyện và hỗ trợ bé tập bú, nuốt một cách nhẹ nhàng.

Chuẩn bị cho trẻ xuất viện

Trẻ sẽ được xuất viện khi sức khỏe ổn định, có thể tự thở, kiểm soát thân nhiệt và phối hợp tốt các kỹ năng bú – nuốt – thở. Việc chăm sóc tại nhà sẽ được tiếp tục dưới sự giám sát của gia đình và các bác sĩ.

Chăm sóc tại nhà

Tại nhà, việc chăm sóc trẻ sinh non 28 tuần bao gồm:

  • Cho trẻ bú đủ sữa.
  • Nghỉ ngơi trong không gian sạch sẽ, thoáng.
  • Phòng tránh các bệnh lý nhiễm trùng, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp.
  • Định kỳ khám sức khỏe và thực hiện tiêm phòng đầy đủ.

Người chăm sóc trẻ sinh non tại nhà cần chú ý quan sát và cho trẻ bú đủ sữa

Người chăm sóc trẻ sinh non tại nhà cần chú ý quan sát và cho trẻ bú đủ sữa

Lưu ý, người trực tiếp chăm sóc và các thành viên trong gia đình cần tiêm phòng đầy đủ để tránh lây nhiễm bệnh cho trẻ. Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt, bú kém, mệt mỏi hoặc thở nhanh, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Các câu hỏi thường gặp

Đối với các trường hợp trẻ sinh non ở tuần thứ 28 có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, dưới đây là một vài câu hỏi phổ biến nhất:

Trẻ sinh non ở tuần 28 có cân nặng bao nhiêu?

Trẻ sinh non 28 tuần thường có cân nặng khoảng 1kg, tương đương với thai nhi cùng tuổi. Tuy nhiên, cân nặng này có thể thay đổi dựa vào chế độ chăm sóc, sức khỏe và dinh dưỡng của mẹ trong suốt thai kỳ. Sau khi sinh, do môi trường bên ngoài không còn lý tưởng như trong bụng mẹ, cân nặng của trẻ có thể tăng chậm hơn.

Trẻ sinh non ở tuần thứ 28 có sống được không?

Theo các chuyên gia từ Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ sinh non tuần 28 có đến 94% cơ hội sống sót. Tuy nhiên, trẻ vẫn có nguy cơ gặp nhiều biến chứng và cần được chăm sóc đặc biệt tại khoa NICU (Đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh). Trẻ sinh ở tuần 28 thường phải đối mặt với các vấn đề về hô hấp và việc điều trị tích cực là rất quan trọng.

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, trẻ sinh non 28 tuần sẽ được điều trị theo phác đồ riêng, bao gồm:

  • Theo dõi liên tục huyết áp, nhịp tim và hô hấp 24/24.
  • Ở trong lồng ấp để duy trì thân nhiệt ổn định.
  • Sử dụng máy thở nếu trẻ gặp vấn đề về hô hấp.
  • Được cho ăn qua ống thông qua mũi, miệng hoặc tiêm qua tĩnh mạch.
  • Phần lớn trẻ sinh non 28 tuần có thể về nhà vài tuần trước hoặc vào đúng ngày dự sinh ban đầu nếu không gặp biến chứng nghiêm trọng.
  • Thông thường, trẻ sẽ được xuất viện khi có thể tự bú, tự thở và kiểm soát thân nhiệt.

Trẻ sinh ở tuần 28 hoàn toàn có thể sống sót nếu được chăm sóc đúng cách

Trẻ sinh ở tuần 28 hoàn toàn có thể sống sót nếu được chăm sóc đúng cách

Trước khi mang thai mẹ cần làm gì để tránh sinh non

Trước khi mang thai, để giảm nguy cơ sinh non ở tuần 28, mẹ cần chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức sinh sản và chăm sóc sức khỏe.

  • Tìm hiểu về quá trình mang thai và các biện pháp chăm sóc thai kỳ.
  • Tránh các thủ thuật không cần thiết liên quan đến tử cung trước khi mang thai.
  • Nếu công việc đòi hỏi phải di chuyển nhiều, hãy cẩn thận vì điều này có thể không tốt cho thai kỳ.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng trước và trong suốt quá trình mang thai.
  • Chuẩn bị tốt từ trước khi mang thai sẽ giúp mẹ duy trì thai kỳ an toàn và hạn chế nguy cơ sinh non.

Trẻ sinh non 28 tuần là một sự cố không ai mong muốn, tuy nhiên việc sinh non tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe. Do đó, để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển cho trẻ việc chăm sóc cực kỳ quan trọng. Ngay từ khi mang thai mẹ bầu cần phải có một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và đảm bảo. Hy vọng với chia sẻ này sẽ giúp ích được cho những mẹ sinh non giúp các bé phát triển toàn diện và khỏe mạnh. Đừng quên đến Bệnh viện Đại học Phenikaa để được thăm khám thường xuyên giúp hạn chế mọi rủi ro và có cách phòng tránh tốt nhất.

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

Premature birth – Symptoms and causes – Mayo Clinic. (2024, March 22). Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premature-birth/symptoms-causes/syc-20376730

right

Chủ đề :