Trong các loại ung thư thường gặp ở nữ giới, ung thư vú luôn là nỗi lo lớn bởi căn bệnh này thường phát triển âm thầm và có thể chuyển biến phức tạp nếu không được phát hiện kịp thời. Hiểu rõ các dấu hiệu cảnh báo, nhận diện sớm yếu tố nguy cơ và chủ động tầm soát định kỳ chính là cách tốt nhất giúp phụ nữ bảo vệ sức khỏe bản thân trước căn bệnh nguy hiểm này.
Ung thư vú là gì?
Ung thư vú tên tiếng Anh là Breast Cancer. Bệnh xảy ra khi các tế bào trong mô vú phát triển bất thường, mất kiểm soát, hình thành khối u ác tính (ung thư). Các tế bào này có thể bắt đầu từ ống dẫn sữa (ung thư biểu mô ống) hoặc tiểu thùy (ung thư biểu mô tiểu thùy). Sau đó, tế bào ung thư có thể lan rộng đến mô xung quanh và hạch bạch huyết, thậm chí di căn đến các cơ quan khác như phổi, não, xương.
Ung thư vú là sự tăng sinh bất thường của tế bào tuyến vú
Tình hình ung thư vú hiện nay
Năm 2022, thế giới ghi nhận khoảng 2,3 triệu ca mới và 670.000 ca tử vong vì bệnh ung thư vú. Dự kiến đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên 3,2 triệu ca và 1,1 triệu ca tử vong. Đây là con số đáng báo động trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 24.500 đến 24.600 trường hợp ung thư vú mới và hơn 10.000 ca tử vong. Căn bệnh này là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ. Tỷ lệ ung thư vú ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa độ tuổi.
Ruy băng hồng được coi là biểu tượng ung thư vú giúp nâng nhận thức toàn cầu về căn bệnh này
Các loại ung thư vú
Dưới đây là phân loại theo nguyên nhân giúp bạn hiểu rõ hơn hiện tượng ung thư vú là như thế nào giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị chuẩn xác hơn:
1. Ung thư biểu mô ống xâm lấn (Invasive Ductal Carcinoma - IDC)
Loại ung thư này bắt đầu từ ống dẫn sữa. Tế bào ung thư sau đó lan ra mô xung quanh. Khởi phát của sự di căn, tế bào ung thư xâm nhập mô hạch, phá vỡ cấu trúc và tiến tới chặng hạch tiếp theo, nhưng đôi khi có thể nhảy cóc đến chặng hạch xa hơn, thậm chí tới những cơ quan khác trong cơ thể. IDC là hình thức ung thư tuyến vú xâm lấn phổ biến nhất, chiếm khoảng 75% - 80% các ca.
2. Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn (Invasive Lobular Carcinoma - ILC)
Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn khởi phát từ các tuyến sản xuất sữa (lobules). Khi các tế bào trong tiểu thùy đột biến và mất khả năng kiểm soát tăng trưởng, chúng sẽ xâm nhập ra ngoài lobules và lan rộng vào mô vú xung quanh, có thể di căn tới hạch bạch huyết và các cơ quan xa hơn. Với ILC, đa số phụ nữ nhận thấy vùng vú trở nên dày hơn thay vì xuất hiện một khối u rõ rệt.
3. Ung thư vú tại chỗ (DCIS và LCIS)
Ung thư vú tại chỗ là một dạng ung thư khi tế bào bất thường chỉ khu trú trong ống dẫn sữa (DCIS) hoặc tiểu thùy (LCIS), chưa xâm lấn ra mô xung quanh. DCIS là ung thư giai đoạn 0, thường được phát hiện qua hình ảnh vi vôi hóa trên nhũ ảnh và cần điều trị để ngăn tiến triển thành ung thư xâm lấn.
LCIS tiên lượng tốt, có thể phẫu thuật lấy rộng u hay phẫu thuật bảo tồn tuyến vú, theo dõi tái khám định kỳ. Đa số trường hợp người bệnh ở thể LCIS điều trị khỏi.
4. Ung thư vú thể viêm (Inflammatory Breast Cancer)
Ung thư vú thể viêm rất hiếm gặp nhưng tiến triển nhanh và ác tính, chiếm khoảng 1–5% ca mắc. Bệnh không biểu hiện bằng khối u rõ mà gây đỏ, sưng, phù nề da do tế bào ung thư làm tắc nghẽn mạch bạch huyết, khiến da có thể dày lên và nhăn như “vỏ cam”. Triệu chứng thường phát triển nhanh trong vài tuần và dễ bị nhầm với viêm vú, dẫn đến chậm trễ chẩn đoán.
5. Ung thư vú thể đặc biệt
Ung thư vú thể đặc biệt như: Thể ống nhỏ (tubular), thể nhầy (mucinous), thể tủy (medullary) là những loại ung thư biểu mô tuyến xâm lấn nhưng có đặc điểm mô bệnh học và tiên lượng khác biệt so với ung thư ống phổ thông (IDC‑NST). Cụ thể:
- Thể ống nhỏ (tubular): Chiếm khoảng 1 - 2% các ca bệnh, cấu trúc vi ống rõ và tế bào biệt hóa tốt, thường có biểu hiện hormon dương tính và tiên lượng rất tốt, tỉ lệ sống cao nhất trong các thể đặc biệt.
- Thể nhầy (mucinous): Chiếm 2-7%, phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi, khối u chứa nhiều nhầy ngoại bào, giới hạn rõ, di căn hiếm, thường dương tính với thụ thể estrogen/progesterone và cũng có tiên lượng thuận lợi.
- Thể tủy (medullary): Chiếm khoảng 1-5% ca bệnh, thường gặp ở phụ nữ trẻ hoặc mang gen BRCA1. Dù mô học trông ác tính với thâm nhiễm lympho mạnh, loại này lại có tiên lượng khá tốt và thường đáp ứng điều trị, ngay cả khi là triple - negative.
6. Ung thư vú tam âm (Triple-negative breast cancer - TNBC)
Ung thư vú tam âm (TNBC) không có thụ thể estrogen, progesterone và không biểu hiện quá mức HER2, nên không đáp ứng với liệu pháp nội tiết hay thuốc nhắm HER2. Bệnh chiếm khoảng 10 - 20% các ca bệnh, thường gặp ở phụ nữ trẻ, người mang đột biến BRCA1 và một số nhóm sắc tộc.
7. Ung thư vú HER2
HER2 (Human Epidermal Growth Factor Receptor 2) là một loại protein nằm trên bề mặt tế bào, có vai trò điều hòa quá trình phát triển và phân chia tế bào. Ở người bình thường, HER2 hoạt động ổn định. Tuy nhiên, ở một số trường hợp ung thư vú, gen HER2 có thể bị khuếch đại hoặc đột biến, làm gia tăng số lượng protein HER2 trên tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng và không kiểm soát của tế bào ung thư.
Các mức biểu hiện HER2 trong ung thư vú bao gồm:
- Ung thư vú HER2 dương tính: Đây là loại ung thư có mức protein HER2 rất cao. Xét nghiệm hóa mô miễn dịch (IHC) thường cho kết quả 3+ hoặc FISH (lai huỳnh quang tại chỗ) dương tính.
- Ung thư vú HER2 thấp: Các tế bào ung thư có biểu hiện protein HER2 ở mức thấp hơn, thường được đánh giá IHC 1+ hoặc 2+ với kết quả FISH âm tính.
- Ung thư vú HER2 âm tính: Trong trường hợp này, tế bào ung thư hoặc không có HER2, hoặc mức biểu hiện rất thấp, không đáp ứng với các liệu pháp nhắm đích HER2.
8. Ung thư vú ở nam giới - thể hiếm gặp
Nam giới vẫn có mô vú (mỡ, ống dẫn, mô liên kết), nên có thể xuất hiện ung thư nếu tế bào bị đột biến ADN sinh sản bất thường, tạo khối ác tính. Tuy nhiên, ung thư vú ở nam giới rất hiếm (chiếm khoảng 1% tổng số ca).
Phân loại ung thư vú giúp xác định phương pháp điều trị phù hợp
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư vú
Nguyên nhân ung thư vú là sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền, nội tiết tố trong cơ thể, thói quen sinh hoạt và môi trường sống bên ngoài:
- Giới tính và tuổi tác: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều so với nam giới, và nguy cơ này tăng dần theo tuổi, đặc biệt sau 50 tuổi.
- Tiền sử gia đình và đột biến gen di truyền: Đột biến BRCA1/BRCA2 làm tăng nguy cơ đến 60 - 80% trong đời.
- Tiền sử gia đình: Gia đình có mẹ hoặc chị/em gái từng mắc ung thư vú thì nguy cơ của bạn tăng gấp khoảng 2 lần so với người bình thường.
- Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: Thường xuyên tiêu thụ các loại đồ chiên rán, thịt đỏ, đồ ngọt,... góp phần làm tăng nguy cơ ung thư.
- Sử dụng liệu pháp hormone thay thế kéo dài: Liệu pháp hormone thay thế (estrogen kết hợp progestin) sau mãn kinh là yếu tố dẫn đến ung thư.
- Dùng thuốc tránh thai kéo dài: Hầu hết thuốc tránh thai dạng uống chứa estrogen và progestin. Hai hormone này làm thay đổi hoạt động nội tiết tự nhiên. Kết quả là tế bào tuyến vú phân chia nhiều hơn, tăng nguy cơ ung thư.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư vú
Tham khảo thêm:
- Tầm Soát Ung Thư Là Gì? Tìm Hiểu Quy Trình, Phương Pháp Mới Nhất Hiện Nay?
- Tầm Soát Ung Thư Tổng Quát Bao Nhiêu Tiền? Cập Nhật Bảng Giá Mới Nhất
Triệu chứng ung thư vú
Căn bệnh nguy hiểm này hoàn toàn có thể phát hiện sớm nếu bạn chú ý đến các triệu chứng sớm, bao gồm:
- Xuất hiện khối u cứng bất thường ở vùng ngực.
- Thay đổi hình dạng hoặc kích thước vú một bên to, hoặc lõm, xệ, mất cân đối so với bên còn lại.
- Màu da vú có thể bị đỏ, nhăn nheo, bong tróc hoặc lở loét.
- Núm vú chảy dịch, tụt núm vú, loét hoặc dày sừng quanh núm vú.
- Cảm giác đau vú kéo dài.
- Sưng hạch ở nách hoặc cổ có thể là biểu hiện di căn ung thư.
Bất thường ở núm vú có thể cảnh báo ung thư
Biện pháp chẩn đoán ung thư vú
Chẩn đoán ung thư vú cần được căn cứ vào kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng, sinh thiết kết hợp một số xét nghiệm liên quan như:
1. Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ quan sát hình dạng, màu sắc da, núm vú hoặc sờ nắn để phát hiện u cục, đánh giá kích thước, mật độ, ranh giới và di động của khối u. Đồng thời sẽ kết hợp kiểm tra các hạch nách và cổ để phát hiện bất thường ở các cơ quan này.
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
2.1. Chụp nhũ ảnh (Mammography)
Chụp nhũ ảnh là phương pháp chẩn đoán chính và hiệu quả trong sàng lọc, đặc biệt ở phụ nữ trên 40 tuổi. Phương pháp này giúp phát hiện sớm các tổn thương như vi vôi hóa, khối tăng đậm độ, asymmetry, các kết quả được đánh giá qua hệ thống BI‑RADS.
2.2. Siêu âm vú
Siêu âm vú sử dụng sóng âm để phân biệt tổn thương đặc hoặc nang, ít xâm lấn, không dùng tia X. Siêu âm có thể kết hợp Doppler để đánh giá độ cứng và mạch máu khối u, giúp tránh sinh thiết không cần thiết.
2.3. Cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú
Cộng hưởng từ MRI tuyến vú sử dụng từ trường và thuốc tương phản để tạo ảnh chi tiết về cấu trúc vú, giúp phát hiện tổn thương nhỏ và đa ổ.
3. Sinh thiết (Biopsy)
Các kỹ thuật sinh thiết bao gồm:
- Chọc hút kim nhỏ (FNA) - lấy ít tế bào dễ thực hiện nhanh.
- Sinh thiết lõi (core biopsy) – lấy mô đủ lớn để chẩn đoán mô bệnh học và đánh giá thụ thể hormone/HER2.
- Sinh thiết hỗ trợ hút chân không (VABB) hoặc sinh thiết định vị dây, sinh thiết mở – khi khối u khó định vị hoặc cần lấy nhiều mô.
- Sinh thiết hạch bạch huyết - sinh thiết hạch gác cửa (SLNB) hoặc nạo hạch nách (ALND) để xác định di căn - quan trọng trong đánh giá giai đoạn bệnh.
4. Xét nghiệm bổ sung
Xét nghiệm thụ thể hormone (ER/PR) và HER2 hướng dẫn chiến lược điều trị cá thể hóa.
Chỉ dấu khối u (CA15-3) ít dùng trong sàng lọc, chủ yếu đánh giá đáp ứng điều trị ở giai đoạn di căn.
Xét nghiệm máu, sinh hóa, đông máu, xạ hình xương, CT/PET‑CT thực hiện khi nghi ngờ di căn xa hoặc cần đánh giá giai đoạn chính xác.
Chẩn đoán ung thư vú cần kết hợp kết quả khám lâm sàng, siêu âm, thậm chí sinh thiết (nếu cần thiết)
Phương pháp điều trị ung thư vú thường gặp hiện nay
Dưới đây là một số phương pháp phổ biến trong điều trị bệnh ung thư vú:
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp loại bỏ khối u bằng cách cắt bỏ phần mô chứa tế bào ung thư. Khi ung thư chưa lan rộng, bác sĩ có thể chỉ cần lấy khối u ra và giữ lại phần lớn mô vú. Trong một số trường hợp, việc cắt bỏ toàn bộ tuyến vú, các hạch bạch huyết dưới nách và mô quanh vùng ngực cũng có thể được chỉ định để ngăn ngừa ung thư lan rộng. Đây là một hướng điều trị phổ biến và hiệu quả, tùy thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh.
2. Xạ trị
Xạ trị sau phẫu thuật vùng vú và thành ngực đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát ung thư tại chỗ, góp phần làm giảm nguy cơ tái phát. Trong những trường hợp ung thư đã di căn, phương pháp này còn giúp làm giảm các triệu chứng, mang lại sự thoải mái hơn cho người bệnh.
Thông thường, xạ trị được bắt đầu sau khoảng một tháng kể từ khi kết thúc phẫu thuật hoặc hóa trị, nhằm tạo điều kiện cho cơ thể có thời gian hồi phục.
Chỉ định cụ thể gồm:
- Giai đoạn sớm: Xạ trị được áp dụng sau phẫu thuật để ngăn ngừa nguy cơ ung thư quay trở lại. Đặc biệt cần thiết sau phẫu thuật bảo tồn vú hoặc sau khi cắt bỏ toàn bộ tuyến vú nếu bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao (ví dụ như có khối u lớn hơn 5cm, nhiều khối u cùng lúc hoặc u đã xâm lấn đến da, thành ngực hoặc có hạch di căn).
- Giai đoạn di căn xa: Xạ trị giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng như phù não do di căn lên não, đau do di căn xương, hoặc ngăn ngừa liệt trong trường hợp di căn tủy sống.
Xạ trị thường được thực hiện sau khi phẫu thuật
3. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời làm chậm quá trình phát triển và lan rộng của bệnh sang các cơ quan khác trong cơ thể. Vì tác động toàn thân, hóa trị thường được áp dụng cho cả những trường hợp ung thư đã di căn, giúp kiểm soát các triệu chứng, làm chậm tiến triển và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể gặp một số phản ứng không mong muốn như rụng tóc, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, mãn kinh sớm hoặc gây tổn thương hệ thần kinh. Những tác dụng này thường chỉ là tạm thời và sẽ giảm dần sau khi kết thúc liệu trình điều trị.
4. Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone là phương pháp điều trị hiệu quả cho ung thư vú nhạy cảm với hormone, như ung thư có thụ thể estrogen hoặc progesterone dương tính. Phương pháp này có thể được dùng trước hoặc sau phẫu thuật, giúp ngăn tái phát hoặc kiểm soát khối u trong giai đoạn ung thư lan rộng.
Một số liệu pháp thường dùng gồm: thuốc ngăn hormone gắn vào tế bào ung thư, thuốc ức chế sản sinh estrogen (đặc biệt ở phụ nữ mãn kinh), hoặc phương pháp can thiệp vào chức năng buồng trứng bằng thuốc hay phẫu thuật. Tác dụng phụ có thể gặp là loãng xương, khô âm đạo, đổ mồ hôi ban đêm hoặc nguy cơ đông máu.
5. Liệu pháp điều trị trúng đích
Một số loại thuốc nhắm trúng đích có thể tác động trực tiếp đến tế bào ung thư hoặc các protein đặc hiệu mà tế bào ung thư vú cần để phát triển và tồn tại. Đây là hướng điều trị hiện đại, mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, do chi phí cao và chỉ phù hợp với một số loại ung thư nhất định, nên phương pháp này hiện chưa được áp dụng rộng rãi.
Biện pháp phòng ngừa ung thư vú
Áp dụng các cách phòng ngừa ung thư vú dưới đây sẽ giúp bạn khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh:
1. Duy trì lối sống lành mạnh
Bạn nên thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh như:
- Giữ cân nặng hợp lý: Duy trì BMI ở mức 18.5–22.9 để giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Vận động thể chất đều đặn: Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần giúp cân bằng nội tiết, tăng cường miễn dịch và giảm nguy cơ ung thư.
- Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống cần ưu tiên rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên cám, cá béo, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, hạn chế các loại thịt đỏ, bánh kẹo ngọt,….
- Không uống rượu bia, hút thuốc lá.
Nếu cần dùng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone thay thế sau mãn kinh, nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dùng đúng chỉ định và không kéo dài quá lâu.
2. Thường xuyên kiểm tra vú và vùng ngực
Bạn nên tự kiểm tra vùng ngực, nếu phát hiện thấy có khối u, chảy dịch,… hãy đến với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám.
3. Tầm soát và kiểm tra định kỳ
Bắt đầu từ năm 40 tuổi, chị em nên thực hiện tầm soát ung thư để phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời.
Kết luận
Ung thư vú là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến nhất ở phụ nữ, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện và điều trị sớm. Việc tầm soát định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh và theo dõi các dấu hiệu bất thường là yếu tố then chốt trong phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Bạn đang lo lắng về những triệu chứng bất thường? Đừng chần chừ - hãy đặt lịch khám ngay với chuyên gia tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đại học Phenikaa. Liên hệ ngay hotline 1900 886648 để được tư vấn cụ thể hơn.