Gan nhiễm mỡ đang trở thành “nỗi lo thầm lặng” khi tỷ lệ mắc bệnh tăng cao tại Việt Nam. Bạn có biết gan nhiễm mỡ có mấy cấp độ không? Độ mấy là nguy hiểm? Cùng Bệnh viện Đại học Phenikaa khám phá chi tiết 3 cấp độ gan nhiễm mỡ và phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay.
Bệnh gan nhiễm mỡ là gì? Gồm có mấy loại?
Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích tụ quá mức trong tế bào gan, khi lượng chất béo chiếm hơn 5–10% trọng lượng gan. Đây là một bệnh lý phổ biến, thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu nhưng có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Gan nhiễm mỡ gồm có 2 loại:
- Gan nhiễm mỡ do rượu (Alcoholic Fatty Liver Disease – AFLD): Thường xảy ra ở những người uống nhiều rượu, bia trong thời gian dài. Nguyên nhân chính là do rượu, bia khiến gan suy yếu và dễ bị tổn thương.
- Gan nhiễm mỡ không do rượu (Non-Alcoholic Fatty Liver Disease – NAFLD): Đây là loại gan nhiễm mỡ phổ biến hơn, thường có liên quan đến béo phì, tiểu đường, mỡ máu cao, lười vận động, chế độ ăn nhiều chất béo.
Hình ảnh lá gan khỏe mạnh và lá gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ có mấy cấp độ?
Gan nhiễm mỡ là bệnh lý phổ biến và đang ngày càng trẻ hóa. Gan nhiễm mỡ có mấy độ? Dựa vào tình trạng nhiễm mỡ, bác sĩ chia bệnh thành 3 cấp độ như sau:
1. Gan nhiễm mỡ độ 1 – Có thể phục hồi
Đây là giai đoạn sớm nhất, mỡ chiếm dưới 30% thể tích gan. Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, chỉ phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe. Nếu phát hiện ở giai đoạn này, chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường vận động là gan có thể phục hồi hoàn toàn.
2. Gan nhiễm mỡ độ 2 – Cần can thiệp ngay
Giai đoạn này, lượng mỡ chiếm từ 30–60% thể tích gan. Người bệnh có thể bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu, đôi khi đau nhẹ vùng gan. Men gan có dấu hiệu tăng cao, cảnh báo gan bắt đầu chịu tổn thương thật sự. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh có thể chuyển sang độ 3 – nguy hiểm hơn rất nhiều.
3. Gan nhiễm mỡ độ 3 – Cần điều trị chuyên sâu
Gan nhiễm mỡ độ mấy cao nhất? Câu trả lời là độ 3, khi lượng mỡ trong gan chiếm trên 60% có thể dẫn đến viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng: Vàng da, bụng to bất thường, sụt cân, rối loạn tiêu hóa và cảm giác mệt mỏi kéo dài. Đây là giai đoạn báo động đỏ, cần được điều trị nghiêm túc và theo dõi sát bởi bác sĩ chuyên khoa.
Lá gan khỏe mạnh và các phân độ gan nhiễm mỡ 1,2,3
Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
Theo bác sĩ chuyên khoa, gan nhiễm mỡ cấp độ 1 hoặc cấp độ 2, nếu phát hiện sớm, chưa gây tổn thương tế bào gan, thì hoàn toàn có thể điều chỉnh bằng thay đổi lối sống, ăn uống và vận động. Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại là giai đoạn này thường không có triệu chứng rõ rệt, khiến nhiều người bỏ qua.
Nếu không điều trị sớm, gan nhiễm mỡ có thể tiến triển âm thầm gây nguy hiểm như:
- Viêm gan nhiễm mỡ (NASH): Xảy ra khi các tế bào gan bắt đầu bị viêm và tổn thương dẫn đến tăng men gan, ảnh hưởng chức năng gan.
- Xơ gan: Mô gan khỏe bị thay thế bằng mô xơ (sẹo), khiến gan mất dần chức năng, gây suy gan.
- Dấu hiệu rõ hơn: Vàng da, cổ chướng, xuất huyết tiêu hóa, suy gan.
- Ung thư gan: Đây là biến chứng nặng nhất, thường gặp ở bệnh nhân có gan nhiễm mỡ kèm theo viêm, xơ, hoặc mắc bệnh lý nền như tiểu đường, béo phì.
Gan nhiễm mỡ cấp độ mấy là nguy hiểm nhất? Cấp độ 3 là nguy hiểm nhất với các triệu chứng tổn thương gan rõ ràng, dễ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Gan nhiễm mỡ làm tăng nguy cơ viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan
Tham khảo thêm:
- Co Thắt Tâm Vị (Achalasia) Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị
- Barrett Thực Quản: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị Hiệu Quả
Phương pháp chẩn đoán cấp độ gan nhiễm mỡ
1. Chẩn đoán lâm sàng theo từng cấp độ
Tùy thuộc vào mức độ gan nhiễm mỡ càng nặng thì các triệu chứng dưới đây sẽ càng rõ rệt hơn:
- Mệt mỏi kéo dài.
- Cảm giác nặng hoặc đau âm ỉ vùng hạ sườn phải.
- Chán ăn, đầy bụng, khó tiêu.
- Trường hợp nặng có thể có vàng da, vàng mắt, bụng trướng, sút cân.
Các dấu hiệu lâm sàng thường không đặc hiệu, do đó bác sĩ chuyên khoa sẽ kết hợp khai thác tiền sử và yếu tố nguy cơ như:
- Béo phì hoặc thừa cân.
- Tiểu đường type 2.
- Tăng mỡ máu (cholesterol/triglyceride cao).
- Uống rượu bia nhiều.
- Ít vận động, lối sống tĩnh tại.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh gan hoặc rối loạn chuyển hóa.
Dựa vào những khai thác tiền sử để kết hợp chẩn đoán phù hợp.
Vàng da, vàng mắt là một trong những dấu hiệu lâm sàng cảnh báo bất thường về gan
2. Chẩn đoán cận lâm sàng hiện đại
Bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu thực hiện một số phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh và các cấp độ như:
Xét nghiệm máu:
+ Men gan (ALT, AST, GGT): Tăng trong trường hợp gan bị tổn thương.
+ Cholesterol, triglyceride: Tăng cao ở người có gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa.
+ Đường huyết, HbA1c: Kiểm tra nguy cơ tiểu đường.
+ Chức năng gan tổng quát (bilirubin, albumin, PT): Đánh giá mức độ ảnh hưởng đến gan.
+ Xét nghiệm virus viêm gan B, C: Loại trừ nguyên nhân khác gây tổn thương gan.
Siêu âm bụng:
Siêu âm bụng là phương pháp phổ biến nhất để phát hiện gan nhiễm mỡ. Hình ảnh siêu âm cho thấy gan tăng độ sáng, bờ gan đều, nhu mô gan kém đồng nhất. Tuy nhiên, siêu âm chỉ đánh giá tốt cấp độ gan nhiễm mỡ mức 2 trở lên, độ 1 thường khó phát hiện.
FibroScan (đo độ đàn hồi gan):
FibroScan là kỹ thuật hiện đại và không xâm lấn giúp đánh giá chính xác các mức độ gan nhiễm mỡ (CAP score) và mức độ xơ hóa gan (liver stiffness).
Sinh thiết gan (trong trường hợp cần thiết):
Sinh thiết gan thường được chỉ định trong trường hợp muốn phân biệt giữa gan nhiễm mỡ đơn thuần và viêm gan nhiễm mỡ (NASH) hoặc nghi ngờ tổn thương gan do nhiều nguyên nhân phối hợp. Sinh thiết gan chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết và có chỉ định chặt chẽ từ bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ có thể phân độ gan nhiễm mỡ trên siêu âm và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với mỗi người
Phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ
Bạn đã biết gan nhiễm mỡ mấy cấp độ và dưới đây là phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ được khuyến cáo bởi chuyên gia:
1. Thay đổi lối sống – phương pháp nền tảng
Nếu phát hiện ở giai đoạn 1, bạn chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường vận động là gan có thể phục hồi hoàn toàn. Với người mắc gan nhiễm mỡ cấp độ 2,3 cũng cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh hỗ trợ lá gan phục hồi tổn thương. Người bệnh nên:
- Giảm cân khoa học: Giảm từ 5–10% cân nặng giúp cải thiện rõ rệt tình trạng gan nhiễm mỡ. Tuyệt đối không giảm cân cấp tốc, nhịn ăn, gây tổn hại cho gan.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Người bệnh nên hạn chế chất béo bão hòa, đường tinh luyện, đồ chiên rán, nội tạng động vật. Ngoài ra, nên tăng cường rau xanh, các loại trái cây tươi, cá, chất xơ, ngũ cốc nguyên cám, uống nhiều nước, ngưng uống rượu bia, nước ngọt có gas.
- Tập luyện thể thao đều đặn: Ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần. Bạn có thể đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội,... giúp đốt mỡ trong gan, ổn định đường huyết và mỡ máu.
2. Điều trị bằng thuốc
Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị NAFLD, nhưng có thể dùng nhóm thuốc hỗ trợ như:
- Thuốc hạ mỡ máu (statins, fibrates).
- Vitamin E, C, omega-3 (chống oxy hóa gan).
- Thuốc điều hòa chuyển hóa (metformin, pioglitazone – dùng trong tiểu đường).
Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc làm tổn thương gan nặng hơn.
3. Điều trị gan nhiễm mỡ có biến chứng
Khi bệnh tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ (NASH), xơ gan, hoặc ung thư gan, cần điều trị chuyên sâu tại bệnh viện chuyên khoa. Bác sĩ có thể phối hợp sử dụng thuốc ức chế viêm gan, theo dõi chức năng gan định kỳ hoặc can thiệp ngoại khoa, ghép gan trong trường hợp xơ gan giai đoạn cuối.
Kết luận
Bài viết đã giúp bạn tìm hiểu bệnh gan nhiễm mỡ có mấy cấp độ và phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay. Nếu bạn đang tìm kiếm địa chỉ thăm khám và điều trị các bệnh lý về gan tốt nhất hãy đến với Trung tâm Tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Phenikaa. Bệnh viện có đội ngũ chuyên gia kinh nghiệm lâu năm, kết hợp với hệ thống máy móc hiện đại như: FibroScan, siêu âm đàn hồi mô, xét nghiệm chuyên sâu… giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý về gan và xây dựng phác đồ điều trị cá nhân hóa, an toàn và hiệu quả. Đừng để bệnh âm thầm tàn phá sức khỏe của bạn. Hãy liên hệ ngay hotline 1900 886648 để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám với chuyên gia!