Hôi miệng gây ảnh hưởng tới tinh thần và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người mắc. Vậy hôi miệng do đâu, ai dễ mắc phải và làm sao để điều trị? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc về bệnh lý.
Hôi miệng là gì?
Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi khó chịu. Nguyên nhân khiến hơi thở nặng mùi rất đa dạng. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Nghiên cứu y khoa cho thấy có tới 31,8% dân số gặp phải tình trạng này.
Miệng hôi là tình trạng hơi thở khi được đẩy ra khỏi khoang miệng có mùi
Hôi miệng được phân thành các dạng dưới đây:
- Bệnh lý: Đây là tình trạng hơi thở nặng mùi do mắc phải căn bệnh cụ thể nào đó.
- Sinh lý: Hôi miệng sinh lý chỉ xuất hiện tạm thời vào buổi sáng và không có nguyên nhân cụ thể.
- Hội chứng "giả": Người bệnh cảm thấy hơi thở của mình có mùi hôi nhưng không có bằng chứng cụ thể và khách quan cho thấy sự hiện diện của mùi hôi.
Dấu hiệu nhận biết của hôi miệng
Biểu hiện chính là hơi thở có mùi khó chịu vượt quá mức chấp nhận đối với người xung quanh. Mùi thường sẽ nặng hơn sau khi sử dụng các loại thực phẩm như tỏi, hành hoặc hút thuốc hay uống cà phê.
Người bệnh có thể tự ngửi thấy mùi của hơi thở khi nói
Ngoài mùi hôi, người bệnh có thể cảm nhận thấy vị khó chịu trong miệng. Nếu nguyên nhân không phải do thức ăn bị kẹt lại mà xuất phát từ tình trạng sức khỏe, tình trạng này có thể không biến mất dù đã súc miệng hay đánh răng. Bệnh nhân cũng có thể gặp một vài triệu chứng khác như:
- Đau, chảy máu hoặc sưng nướu;
- Đau răng hoặc răng lung lay;
- Khó chịu với răng giả.
Trên thực tế có nhiều trường hợp mắc hội chứng sợ hôi miệng. Mặc dù hơi thở của họ không hôi nhưng bản thân họ luôn thấy lo lắng và ám ảnh về vấn đề vệ sinh răng miệng.
Nguyên nhân chính dẫn đến miệng bị hôi
Hơi thở có mùi thực tế do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến thường gặp:
Vi khuẩn
Vệ sinh răng miệng kém có thể dẫn đến các vấn đề như viêm lợi, sâu răng và viêm tủy. Các hợp chất lưu huỳnh nặng mùi trong khoang miệng là bởi axit amin có trong thực phẩm kết hợp với vi khuẩn dưới lưỡi tạo nên.
Các vi khuẩn bám trên răng, lưỡi có thể là nguyên nhân dẫn đến hơi thở có mùi
Hôi miệng tạm thời
Hơi thở có mùi hôi tạm thời là tình trạng xảy ra sau khi tiêu thụ một số thực phẩm hoặc đồ uống gây mùi. Sau khi vệ sinh răng miệng sạch sẽ mùi hôi sẽ biến mất. Khi tiêu thụ các loại đồ uống và thực phẩm, quá trình phân hủy được hình thành và từ đó hợp chất sulphur tạo ra trong miệng và gây mùi tạm thời.
- Một số sản phẩm như rượu, bia, thuốc lá hay thực phẩm giàu protein/ đường khi sử dụng sẽ bị phân hủy. Từ đó phóng ra amino axit - một hoạt chất có chứa sulphur gây mùi khó chịu ở khoang miệng.
- Gia vị như tỏi và hành: Những gia vị này chứa hàm lượng sulphur cao. Khi chúng được hấp thụ vào máu, sulphur sẽ được giải phóng qua phổi và mồ hôi, tạo ra mùi khó chịu.
- Giảm sản xuất nước bọt khi ngủ: Việc giảm sản xuất và tiết nước bọt trong lúc ngủ có thể dẫn đến khô miệng tạm thời. Từ đó làm cho hơi thở có mùi vào buổi sáng khi bạn thức dậy.
Ăn thực phẩm có mùi cũng khiến hơi thở bị hôi tạm thời
Hơi thở hôi do các vấn đề khác
Hôi miệng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ từ vi khuẩn hay tình trạng tạm thời. Tình trạng này xảy ra cũng có thể do một số vấn đề trong khoang miệng, bao gồm:
- Tình trạng viêm nha chu, viêm quanh thân răng hay viêm nướu hoại tử cấp tính có thể gây ra hơi thở nặng mùi.
- Tổn thương ác tính: Các vết lở loét nghiêm trọng trong miệng có thể dẫn đến hơi thở có mùi.
- Giảm tiết nước bọt: Thiếu nước bọt có thể gây khô miệng, tạo điều kiện cho mùi hôi phát sinh.
- Nấm Candida: Nấm Candida ở vùng miệng có thể khiến hơi thở nặng mùi.
- Hội chứng Sjogren: Đây là một tình trạng tự miễn dịch dẫn đến giảm sản xuất nước bọt, góp phần khiến hơi thở nặng mùi.
Do bệnh lý kèm với thuốc điều trị
Một số triệu chứng của các bệnh lý toàn thân phải dùng thuốc có thể là nguyên nhân gây bệnh:
- Bệnh lý toàn thân: Hơi thở nặng mùi có thể xuất phát từ các rối loạn hô hấp và nhiễm trùng vùng mũi họng như viêm xoang hay viêm amidan.
- Một vài loại thuốc như phenothiazin, thuốc gây độc tế bào, chloral hydrate, disulfiram, amphetamine và nitrite có thể khiến hơi thở có mùi.
- Bệnh gan, thận và tiểu đường.
- Một số vấn đề liên quan đến đường ruột hay dạ dày như trào ngược có thể là nguyên nhân mùi hôi ở miệng.
- Vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày cũng dễ khiến hơi thở có mùi hôi.
- “Mùi cá ươn”: Hội chứng này xuất hiện do trimethylamine có trong thực phẩm không được chuyển hóa gây ra sự tích tụ ở trong gan tạo ra mùi.
Một vài vấn đề về dạ dày cũng khiến hơi thở có mùi khó chịu
Đối tượng nguy cơ
Những người có nguy cơ cao gặp tình trạng hơi thở có mùi bao gồm:
- Người mắc bệnh lý về nha chu.
- Người bị viêm xoang/ phổi/ phế quản.
- Người hay bị trào ngược dạ dày/ung thư dạ dày.
- Người bị hẹp môn vị/ tắc nghẽn tá tràng.
- Người bị nhiễm khuẩn Helicobacter pylori/nhiễm toan ceton do tiểu đường.
- Suy gan - thận giai đoạn cuối.
Những ảnh hưởng của việc hôi miệng
Hơi thở hôi có thể gây ra một số nguy hiểm và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, bao gồm:
- Ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội: Hơi thở có mùi khó chịu làm giảm tự tin và gây khó khăn khi giao tiếp dễ dẫn đến cảm giác bị cô lập trong nhiều hoạt động.
- Vấn đề tâm lý: Người có hơi thở nặng mùi thường cảm thấy xấu hổ hoặc lo lắng người khác biết mình bị hôi miệng, có thể dẫn đến stress, lo âu và các vấn đề tâm lý khác.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Hơi thở nặng mùi có thể làm giảm sự hài lòng trong các hoạt động hàng ngày như ăn uống và giao tiếp. Từ đó gây ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và công việc thường ngày.
Hơi thở có mùi khó chịu gây ra sự tự ti khi giao tiếp
Một số phương pháp chẩn đoán hôi miệng
Hôi miệng có thể được điều trị hiệu quả nếu xác định được chính xác nguyên nhân.
Đánh giá chung
Bác sĩ chuyên khoa thực hiện việc đánh giá cảm quan nhằm mục đích chẩn đoán. Từ đó đưa ra hướng điều trị vấn đề về hơi thở nặng mùi của người bệnh. Phương pháp này dựa trên cảm nhận và đánh giá trực tiếp của bác sĩ về mùi từ hơi thở của bệnh nhân.
Sắc ký khí
Để phát hiện nguyên nhân, bác sĩ sẽ sử dụng máy dò lưu huỳnh. Phương pháp này giúp phân tích mùi hôi từ miệng và các nguyên nhân khác.
BANA Test
Đây là cách giúp kiểm tra hôi miệng thông qua phát hiện loại enzyme trong loại vi khuẩn phân giải protein gram âm. Enzyme này thực hiện phá vỡ BANA - một loại chất nền tổng hợp của trypsin, từ đó tạo thành hợp chất có màu. Tuy nhiên phương pháp này bị hạn chế bởi khó xác định vai trò của vi khuẩn gây mùi hôi miệng.
Kiểm tra tình trạng hơi thở có mùi bằng xét nghiệm BANA
Halimeter
Halimeter là thiết bị đo lường mùi của khoang miệng một cách định lượng. Thiết bị nhỏ hình hộp với cảm biến gần miệng có thể phát hiện hợp chất sulfur (VSC) theo đơn vị ppb. Khi thực hiện kiểm tra, nồng độ của các hợp chất có mùi sẽ được hiển thị rõ ràng. Một số cơ sở nha khoa sử dụng Halimeter để kiểm tra chứng hôi miệng.
Phương pháp hỗ trợ khắc phục tình trạng hơi thở nặng mùi
Việc điều trị hơi thở có mùi khó chịu sẽ được bác sĩ dựa vào nguyên nhân cũng như tình hình thực tế để đưa ra phương pháp phù hợp. Dưới đây là một số cách được áp dụng để điều trị tình trạng này:
Điều trị vấn đề răng miệng
- Hơi thở nặng mùi được xác định do viêm nhiễm như sâu răng, cao răng, mảng bám, viêm quanh răng hoặc viêm quanh thân răng. Bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp can thiệp và điều trị phù hợp.
- Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện xét nghiệm hoặc khám tại các chuyên khoa tai mũi họng. Từ đó giúp tìm ra được nguyên nhân cụ thể để điều trị phù hợp.
- Với tình trạng hơi thở có mùi tạm thời, bạn có thể sử dụng kẹo cao su, xịt thơm hoặc nước súc miệng.
Hơi thở hôi được điều trị theo từng nguyên nhân gây bệnh
Cẩn thận với thuốc gây giảm tiết nước bọt
Một số thuốc có tác dụng phụ làm giảm tiết nước bọt khiến tình trạng hôi miệng trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn cần bổ sung đủ nước để giữ cho miệng không bị khô nhằm giúp khắc phục bệnh hiệu quả hơn.
Vệ sinh răng miệng
Để phòng ngừa cũng như điều trị hơi thở nặng mùi, mỗi ngày cần đánh răng ít nhất hai lần (sáng/ tối). Ngoài ra, để loại bỏ mảnh vụn thức ăn còn sót lại sau khi ăn, bạn cũng có thể sử dụng thêm chỉ nha khoa, bàn chải kẽ hay tăm nước.
Đánh răng thường xuyên giúp phòng ngừa vấn đề về hơi thở hôi
Một số biện pháp phòng tránh
Để phòng tránh tình trạng hơi thở hôi bạn nên áp dụng một số biện pháp dưới đây:
- Uống nhiều nước để giữ miệng không bị khô.
- Ít uống cà phê, trà hay nước ngọt.
- Hạn chế thực phẩm có khả năng gây mùi hơi thở như hành, tỏi,...
- Đánh răng nhẹ nhàng, đảm bảo đúng kỹ thuật và đủ thời gian.
- Chọn mua kem đánh răng chứa fluoride.
- Loại bỏ các mảng bám hay mảnh vụn thức ăn nhỏ trên răng với chỉ nha khoa.
- Tránh hút thuốc giúp giảm hơi thở nặng mùi và phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến sức khỏe toàn thân.
- Thường xuyên thăm khám răng miệng để phát hiện dấu hiệu và có cách điều trị sớm.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn có nguy cơ khiến hơi thở nặng mùi cũng như các vấn đề sức khỏe khác.
Kiểm tra răng miệng định kỳ để phát hiện sớm tác nhân gây hôi miệng
Các câu hỏi thường gặp
Hút thuốc lá có gây hôi miệng?
Có! Người hay hút thuốc lá rất dễ gây mùi khó chịu trong hơi thở. Nicotine và các hóa chất trong thuốc lá làm giảm sản xuất nước bọt và gây khô miệng, dẫn đến mùi hơi thở khó chịu. Ngoài ra thuốc lá còn góp phần gây ra các vấn đề về nướu và răng, làm tình trạng hôi miệng trở nên nghiêm trọng hơn.
Hôi miệng có thể trị khỏi hoàn toàn được không?
Có, hơi thở nặng mùi hoàn toàn có thể được trị dứt điểm nếu người bệnh được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Để điều trị hiệu quả, việc xác định chính xác nguyên nhân rất quan trọng.
Hôi miệng có lây không?
Bệnh hôi miệng là một dạng hiện tượng xuất phát từ chính khoang miệng của bệnh nhân mà không phải là do những bệnh lý có liên quan đến virus. Do đó, bệnh hôi miệng không lây từ người này sang người khác dù có tiếp xúc gần. Tuy nhiên, có một số trường hợp hôi miệng do trào ngược dạ dày vì vi khuẩn HP, hoặc hôi miệng do nhiễm nấm, sẽ tăng nguy cơ lây cho người khác khi tiếp xúc nước bọt.
Kết luận
Có thể thấy, hôi miệng mặc dù không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến tâm lý người mắc triệu chứng này. Nếu bạn cũng đang gặp phải tình trạng hơi thở có mùi hôi nhưng khắc phục tại nhà chưa mang lại hiệu quả hãy liên hệ hoặc đến trực tiếp Bệnh viện Đại học Phenikaa để được đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp hỗ trợ điều trị phù hợp. Với sự uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc tân thiết, đơn vị sẽ giúp bạn có hơi thở thơm tho và tự tin hơn.