Tầm soát ung thư vú là quá trình kiểm tra nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở tuyến vú ngay khi chưa có triệu chứng rõ rệt. Bạn đang thắc mắc tầm soát ung thư vú gồm những gì, giá bao nhiêu, nên thực hiện ở đâu? Nội dung bài viết sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết những băn khoăn này.
Tầm soát ung thư vú là gì?
Tầm soát ung thư vú là quá trình kiểm tra vú định kỳ khi chưa có triệu chứng. Mục đích là phát hiện sớm các bất thường có thể gây ung thư. Việc phát hiện sớm ung thư vú giúp tăng khả năng điều trị thành công, giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Theo khuyến cáo của các tổ chức Y tế thế giới WHO, phụ nữ nên bắt đầu tầm soát định kỳ từ độ tuổi 35, riêng ở Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo tầm soát ung thư vú ở độ tuổi từ 40 tuổi trở lên hoặc sớm hơn nếu có yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú.
Tầm soát ung thư vú là phương pháp chẩn đoán sớm bất thường
Đối tượng nào cần tầm soát ung thư vú?
Bác sĩ chuyên khoa khuyên phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên chủ động kiểm tra sức khỏe tuyến vú định kỳ 6 tháng/lần để phòng ngừa ung thư. Ngoài ra, nhóm chị em có nguy cơ cao mắc bệnh cần được sàng lọc ung thư sớm, bao gồm:
- Phụ nữ có người thân ruột thịt như mẹ, chị em hoặc bà từng mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng .
- Phụ nữ đã từng được chẩn đoán ung thư vú, ung thư buồng trứng hoặc đã trải qua xạ trị vùng ngực, cổ.
- Phụ nữ có kết quả xét nghiệm mang đột biến gen BRCA1, BRCA2 hoặc mắc hội chứng di truyền liên quan đến yếu tố nguy cơ ung thư vú.
- Phụ nữ từng sử dụng liệu pháp hormone kéo dài.
- Phụ nữ duy trì thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh (chế độ ăn uống, lười vận động, hút thuốc, lạm dụng rượu bia,...).
- Phụ nữ có triệu chứng nghi ngờ ung thư vú như: có khối u, kích thước vú thay đổi, vùng da vú lở loét, sưng đỏ, núm vú tiết dịch. Phụ nữ nên tự khám vú hàng tháng để kịp thời phát hiện và đi thăm khám.
Tầm soát ung thư vú bằng cách nào?
Phương pháp tầm soát ung thư vú phổ biến hiện nay bao gồm:
1. Khám lâm sàng vú
Khám lâm sàng vú là bước đầu tiên và quan trọng trong quá trình tầm soát ung thư vú. Bác sĩ sẽ quan sát, so sánh hai bên vú để phát hiện các dấu hiệu bất thường như: bất cân đối, nổi u cục, thay đổi màu sắc, thâm nhiễm, tụt núm vú, chảy dịch. Sau đó, bác sĩ thăm khám theo hình nan hoa từ trong ra ngoài để phát hiện những tổn thương không thể quan sát bằng mắt. Đồng thời khám hạch nách, hạch hố thượng đòn,…
2. Siêu âm vú
Siêu âm vú là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh cấu trúc bên trong tuyến vú. Siêu âm có thể phát hiện các khối u nhỏ, nang, hay các bất thường khác không sờ thấy bằng tay. Kỹ thuật này không gây đau, không xâm lấn và không sử dụng tia bức Xạ. Siêu âm vú đánh giá độ Birads, từ đó khuyến cáo sinh thiết chẩn đoán hay theo dõi khám định kỳ.
3. Chụp X-quang tuyến vú (nhũ ảnh – mammography)
Chụp nhũ ảnh là phương pháp sử dụng tia X liều thấp để ghi lại hình ảnh chi tiết của tuyến vú, giúp phát hiện những khối u nhỏ chưa sờ thấy được. Chụp X-quang vú giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn rất sớm, khi khả năng điều trị khỏi bệnh là rất cao.
4. Chụp cộng hưởng từ tuyến vú (MRI vú)
MRI vú là kỹ thuật hình ảnh tiên tiến, cho phép quan sát chi tiết hơn cấu trúc bên trong tuyến vú nhờ từ trường và sóng radio. Phương pháp này thường được chỉ định cho những người có nguy cơ cao mắc ung thư vú (ví dụ: có đột biến gen BRCA1/BRCA2, tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú, v.v.). MRI có độ nhạy cao, hỗ trợ phát hiện các tổn thương mà siêu âm hoặc nhũ ảnh có thể bỏ sót.
5. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra nồng độ chất chỉ điểm khối u CA 15-3. Nồng độ CA 15-3 có ý nghĩa tiên lượng trong chẩn đoán, theo dõi tiến triển, tái phát hay di căn.
6. Sinh thiết
Sinh thiết là kỹ thuật thu thập mẫu mô hoặc tế bào và phân tích dưới kính hiển vi nhằm xác định có sự hiện diện của tế bào ung thư hay không. Trong trường hợp phát hiện một khối u ở tuyến vú, bác sĩ có thể chỉ định lấy mẫu từ khối u đó để làm xét nghiệm. Đây là xét nghiệm rất quan trọng để xác định khối u lành tính hay ác tính, phân loại tuýp mô bệnh học. Chúng ta có thể sinh thiết u vú bằng kim lớn hay sinh thiết mở lấy cả khối u, cũng có thể sinh thiết tổn thương từ lúc phát hiện vi vôi hoá thông qua định vị kim dây.
Khám lâm sàng kết hợp siêu âm, chụp nhũ ảnh, sinh thiết là cách tầm soát ung thư vú đang được áp dụng hiện nay
Tầm soát ung thư vú giá bao nhiêu tiền?
Chi phí tầm soát ung thư vú bao nhiêu? Mức giá tại Việt Nam có thể dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào phương pháp chẩn đoán và nơi thực hiện. Mức chi phí phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
1. Kỹ thuật tầm soát ung thư
Mỗi kỹ thuật như: siêu âm tuyến vú, chụp X-quang tuyến vú (nhũ ảnh), MRI tuyến vú… đều có mức giá riêng. Ngoài ra, nhiều bệnh viện hiện nay cũng cung cấp gói tầm soát trọn gói, giúp khách hàng dễ dàng theo dõi chi phí và nội dung khám.
Bạn có thể tham khảo giá tầm soát ung thư vú dưới đây:
- Siêu âm vú: từ 200.000 – 500.000 VNĐ/lần.
- Chụp nhũ ảnh tuyến vú: khoảng 300.000 – 600.000 VNĐ/lần.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú: dao động từ 1.800.000 – 5.500.000 VNĐ/lần.
2. Loại hình cơ sở y tế
Bệnh viện công thường có chi phí thấp hơn bệnh viện tư hoặc phòng khám quốc tế.
3. Lựa chọn gói khám
Với gói khám cơ bản mức chi phí thường dao động trong khoảng 1.500.000 – 2.500.000 VNĐ, tùy vào danh mục và cơ sở y tế.
Trường hợp tầm soát ung thư trọn gói giá có thể cao hơn. Càng nhiều xét nghiệm chuyên sâu thì chi phí càng cao.
4. Phương pháp thực hiện
Các kỹ thuật hiện đại như MRI hay xét nghiệm gen sẽ đắt hơn so với siêu âm hoặc chụp X-quang.
5. Đội ngũ chuyên môn và trang thiết bị
Chất lượng bác sĩ và máy tầm soát ung thư móc tại từng cơ sở cũng tác động đến chi phí tầm soát ung thư vú. Các thiết bị, máy móc hiện đại sẽ có giá cao hơn.
Chi phí kiểm tra ung thư vú được thiết kế theo nhiều gói khám phù hợp với nhu cầu từng người
Tìm hiểu thêm:
- Xét Nghiệm Tầm Soát Ung Thư Là Gì? Chi Phí Bao Nhiêu Tiền?
- Tầm Soát Ung Thư Tổng Quát Bao Nhiêu Tiền? Cập Nhật Bảng Giá Mới Nhất
Lưu ý quan trọng khi tầm soát ung thư vú
Bên cạnh việc tìm hiểu chi phí tầm soát ung thư vú giá bao nhiêu, bạn cũng cần ghi nhớ một số lưu ý quan trọng trước, trong và sau khi thực hiện tầm soát, điều này giúp người bệnh có kết quả chính xác:
1. Trước khi tầm soát ung thư vú
Trước khi khám ung thư vú bạn cần lưu ý:
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ y tế: Khi đi khám, chị em nên mang theo các phim chụp, hình ảnh siêu âm hoặc kết quả tầm soát trước đó, nhằm giúp bác sĩ có cơ sở so sánh, đánh giá sự thay đổi và hỗ trợ chẩn đoán chính xác hơn.
- Thời điểm tiến hành tầm soát ung thư vú: Các bác sĩ khuyến cáo rằng sự thay đổi hormone trong cơ thể nữ giới có thể làm mờ hình ảnh chẩn đoán, gây khó khăn trong việc nhận diện những khối u nhỏ. Vì vậy, thời điểm lý tưởng để thực hiện kiểm tra là khoảng 1–2 tuần sau khi kỳ kinh kết thúc.
- Tránh dùng các sản phẩm trên vùng ngực và nách: Các thành phần hóa học trong những sản phẩm này có thể tạo ra các đốm trắng trên hình ảnh chụp, gây nhiễu và làm bác sĩ khó xác định chính xác tình trạng tuyến vú. Điều này có thể dẫn đến sai lệch trong việc phát hiện tổn thương hoặc khối u tiềm ẩn.
- Không nên thực hiện chụp X-quang trong thời điểm tuyến vú đang căng tức: Điều này giúp đảm bảo kết quả chính xác và giảm nguy cơ sai lệch trong quá trình chẩn đoán.
2. Trong quá trình sàng lọc ung thư vú
Khi thực hiện tầm soát ung thư vú, bạn nên:
- Trung thực với bác sĩ chuyên khoa: Bạn hãy cung cấp đầy đủ thông tin về các triệu chứng đang gặp như đau tức vùng ngực, xuất hiện khối bất thường, tiết dịch ở núm vú hay tiền sử người thân mắc ung thư. Nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như siêu âm vú, đo chỉ số CA 15‑3, MRI hoặc sinh thiết để chẩn đoán chính xác hơn.
- Lưu ý khi chụp X-quang vú: Bạn cần thay trang phục theo quy định của bệnh viện, không mặc áo ngực và nên tháo bỏ toàn bộ trang sức. Việc này giúp hình ảnh thu được rõ ràng hơn, tránh bị che khuất hoặc nhiễu sóng.
3. Sau khi tầm soát ung thư vú
Sau khi thực hiện tầm soát ung thư vú bạn cần chú ý:
- Theo dõi cảm giác vùng vú: Sau khi chụp X-quang, bạn có thể cảm thấy hơi căng tức nhẹ hoặc khó chịu ở vùng ngực trong vài giờ – đây là hiện tượng bình thường và sẽ tự hết.
- Không lo lắng khi được yêu cầu kiểm tra bổ sung: Nếu bác sĩ yêu cầu làm thêm siêu âm, sinh thiết hoặc chụp lại – điều này không có nghĩa là bạn bị ung thư, mà chỉ nhằm xác định rõ hơn một bất thường nào đó.
- Lắng nghe và lưu lại kết quả tư vấn của bác sĩ: Bác sĩ sẽ thông báo kết quả sơ bộ và đưa ra khuyến nghị cụ thể. Bạn nên hỏi rõ về thời gian tái khám định kỳ hoặc cần làm xét nghiệm gì thêm.
- Tiếp tục tầm soát định kỳ: Dù kết quả bình thường, bạn vẫn nên tuân thủ lịch tầm soát theo độ tuổi và nguy cơ cá nhân (thường mỗi 1–2 năm/lần với phụ nữ trên 40 tuổi).
Khám sàng lọc ung thư vú giúp tăng khả năng chữa khỏi lên đến 90%
Khám tầm soát ung thư vú ở đâu tốt nhất?
Bạn chưa biết nên tầm soát ung thư vú ở đâu Hà Nội hãy đến ngay Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Đại học Phenikaa là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố về chuyên môn, công nghệ và dịch vụ y tế chất lượng cao. Trung tâm được đầu tư đồng bộ với hệ thống trang thiết bị hiện đại như máy MRI, CT, PET/CT, SPECT, cùng máy siêu âm vú độ phân giải cao, hỗ trợ tối đa trong quá trình chẩn đoán hình ảnh. Bên cạnh đó, các xét nghiệm chuyên sâu như dấu ấn sinh học CA 15-3 giúp phát hiện nguy cơ ung thư vú từ giai đoạn sớm.
Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa ung bướu tại đây đều là những người có chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiệm lâm sàng, sẵn sàng tư vấn và đồng hành cùng người bệnh trong suốt quá trình thăm khám và điều trị. Quy trình tầm soát được xây dựng chuẩn hóa, khép kín và toàn diện, bao gồm: khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu và sinh thiết (nếu cần) – đảm bảo tính an toàn, chính xác và tiết kiệm thời gian cho người bệnh.
Lộ trình tầm soát ung thư vú tại Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Đại học Phenikaa gồm các bước cụ thể:
- Khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa.
- Siêu âm vú, chụp X-quang tuyến vú (nếu có chỉ định).
- Xét nghiệm máu để định lượng các chỉ điểm ung thư vú (như CA 15-3).
- Chụp MRI hoặc PET/CT trong trường hợp có nghi ngờ tổn thương.
- Sinh thiết nếu bác sĩ chỉ định.
Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về hướng điều trị hoặc lên kế hoạch theo dõi định kỳ, giúp người bệnh an tâm kiểm soát và chăm sóc sức khỏe vú lâu dài.
Kết luận
Nội dung bài viết đã giúp bạn tìm hiểu về tầm soát ung thư vú như thế nào, giá bao nhiêu. Việc sàng lọc ung thư sớm là điều cần thiết để tăng hiệu quả điều trị, cải thiện cơ hội sống cho người bệnh. Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Đại học Phenikaa là địa chỉ uy tín với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi, tận tâm, cùng hệ thống máy móc hiện đại, sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong hành trình tầm soát và điều trị ung thư. Hãy chủ động tầm soát vì sức khỏe của chính mình ngay hôm nay. Liên hệ 1900 886648 để được tư vấn chi tiết và đặt lịch khám.