Thai bị thiếu máu là tình trạng rất hiếm gặp, có thể dẫn đến phù thai, suy thai nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên điều đáng mừng là tình trạng này có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị thai nhi bị thiếu máu với chuyên gia của Bệnh viện Đại học Phenikaa (PhenikaaMec) dưới đây nhé.
Thai bị thiếu máu là gì?
Thai nhi bị thiếu máu còn được gọi bằng thuật ngữ chuyên môn là thiếu máu bào thai (fetal anemia). Đây là tình trạng hiếm gặp, xảy ra khi số lượng hồng cầu trong máu của thai nhi giảm bất thường, không đủ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển oxy đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến tình trạng thiếu máu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bé ngay từ trong bụng mẹ.
Thiếu máu bào thai xảy ra khi lượng hồng cầu trong máu của thai nhi giảm bất thường
Nguyên nhân gây thai bị thiếu máu
1. Thiếu máu do miễn dịch đồng loại
Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh thiếu máu ở thai nhi là tình trạng miễn dịch đồng loại với hồng cầu, xảy ra do sự không tương thích giữa hồng cầu của mẹ và hồng cầu của thai nhi. Khi máu thai nhi xâm nhập vào mạch máu mẹ qua rau thai, hệ miễn dịch của mẹ sẽ coi đây là “kẻ thù”. Kết quả là cơ thể mẹ sản xuất kháng thể để tấn công và phá hủy hồng cầu của thai nhi. Miễn dịch đồng loại hồng cầu có thể gây thiếu máu thai nhi trầm trọng nếu không được theo dõi và điều trị.
2. Thiếu máu không do miễn dịch
Có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến thai nhi bị thiếu máu, bao gồm:
- Nhiễm trùng ở mẹ, bao gồm parvovirus, bệnh toxoplasmosis, cytomegalovirus (CMV).
- Khối u mạch máu của rau thai hoặc thai nhi.
- Thai nhi có vấn đề về sản xuất hồng cầu.
- Thiếu máu đa hồng cầu ở cặp song thai 1 bánh rau (TAPS).
- Do rối loạn di truyền, bao gồm hội chứng Down.
- Do điều trị bằng laser cho hội chứng truyền máu song thai (TTTS).
- Can thiệp vào thai nhi gây mất máu.
- Xuất huyết thai nhi do chấn thương bụng ở mẹ dẫn đến bong nhau thai.
Tìm hiểu nguyên nhân thai nhi bị thiếu máu đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị, giảm thiểu nguy hiểm trong thai kỳ.
Miễn dịch đồng loại hồng cầu khiến hệ thống miễn dịch của mẹ “phản ứng” và “tấn công” hồng cầu trong máu của thai nhi
Thai bị thiếu máu có sao không?
Bệnh thiếu máu ở thai nhi nếu ở mức độ nhẹ thường không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi bệnh nặng, lượng oxy cung cấp cho thai nhi sẽ bị suy giảm rõ rệt, buộc tim phải hoạt động quá mức để bù đắp. Điều này khiến tim thai đập nhanh và mạnh hơn nhằm tăng cường lưu thông oxy đến các cơ quan.
Nếu tình trạng kéo dài, thai nhi có thể bị suy tim, dẫn đến tích tụ dịch ở nhiều cơ quan, gây ra hiện tượng gọi là phù thai (hydrops fetalis) rất nguy hiểm. Nếu không được can thiệp y tế kịp thời, phù thai có thể đe dọa đến tính mạng của em bé hoặc gây ra di chứng về thần kinh do thai nhi bị thiếu máu não.
Tình trạng thiếu máu kéo dài có thể gây phù thai
Tham khảo thêm:
- Sinh Đôi Là Gì? Những Điều Mẹ Bầu Cần Biết Khi Mang Thai Đôi
- Ít Nước Ối: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Thiểu Ối Và Cách Phòng Ngừa
Phương pháp chẩn đoán thai bị thiếu máu
Dưới đây là những phương pháp chẩn đoán thai bị thiếu máu phổ biến hiện nay:
1. Siêu âm
Siêu âm giúp phát hiện các dấu hiệu suy tim và phù thai do thiếu máu. Siêu âm Doppler cũng được sử dụng để đo tốc độ dòng máu chảy trong động mạch não giữa (MCA) của não thai nhi. Ở thai thiếu máu, lưu lượng dòng chảy trong động mạch não giữa sẽ tăng khi thai nhi bị thiếu máu.
2. Chọc ối
Đây là thủ thuật giúp chẩn đoán nguyên nhân gây thiếu máu bào thai. Khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ kết hợp với siêu âm và dùng một cây kim nhỏ xuyên qua thành bụng vào buồng ối để lấy lượng nhỏ chất lỏng từ túi ối. Mẫu nước ối này sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Chọc ối cũng giúp phân biệt với tình trạng thai nhi bị thiếu máu di truyền (bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia).
Chọc ối xác định nguyên nhân gây thiếu máu bào thai
3. Xét nghiệm máu
Để xác định nguy cơ thiếu máu ở thai nhi, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu máu của mẹ nhằm kiểm tra sự hiện diện của các kháng thể có khả năng tấn công hồng cầu của thai. Nếu kết quả xét nghiệm thường quy cho thấy mẹ có kháng thể, các bước kiểm tra chuyên sâu có thể được thực hiện thêm cho cả người cha và thai nhi.
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ chuyên khoa có thể thực hiện kỹ thuật lấy máu từ dây rốn của thai nhi bằng cách sử dụng một kim tiêm mảnh xuyên qua thành tử cung. Tất cả các xét nghiệm này phải được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm để đảm bảo không gây biến chứng ảnh hưởng đến thai nhi.
Lấy máu cuống rốn là kỹ thuật thường được sử dụng để tìm ra nguyên nhân gây thai nhi bị thiếu máu
Phương pháp điều trị thai bị thiếu máu
Khi thai nhi được chẩn đoán bị thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu mức độ trung bình đến nặng, việc điều trị cần được thực hiện sớm và bởi các bác sĩ chuyên gia can thiệp y học bào thai. Mục tiêu điều trị là bảo toàn sự sống cho thai nhi, duy trì thai kỳ đến thời điểm em bé có thể sống độc lập và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
1. Theo dõi chặt chẽ bằng siêu âm và xét nghiệm chuyên sâu
Thiếu máu bào thai nhẹ thường không phải điều trị. Trong suốt thai kỳ, mẹ và thai nhi sẽ được theo dõi định kỳ bằng siêu âm Doppler, đặc biệt là đo vận tốc dòng máu qua động mạch não giữa (Middle Cerebral Arterial) – một chỉ số gián tiếp cho thấy tình trạng thiếu máu ở thai.
Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, các xét nghiệm huyết học chuyên sâu sẽ được thực hiện để xác định mức độ thiếu máu và đánh giá khả năng cần can thiệp.
2. Truyền máu trong tử cung (Intrauterine Transfusion – IUT)
Đây là phương pháp điều trị chính và hiệu quả nhất cho thai nhi bị thiếu máu nặng. Dưới sự hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ sử dụng một kim nhỏ xuyên qua thành bụng mẹ để tiếp cận dây rốn hoặc xoang tĩnh mạch trong bụng thai nhi.
Thai nhi có thể cần truyền máu 2-3 lần tùy theo mức độ thiếu máu. Khoảng cách giữa các lần truyền phụ thuộc vào tốc độ hồng cầu bị phá hủy. Việc theo dõi sau mỗi lần truyền máu rất quan trọng để xác định thời điểm truyền tiếp theo.
Các tế bào hồng cầu phù hợp từ người hiến tặng (thường Rh âm, cùng nhóm máu) sẽ được truyền trực tiếp vào hệ tuần hoàn của thai nhi. Phương pháp này thường được thực hiện từ tuần thai thứ 18–20 trở đi, khi các mạch máu đủ lớn để can thiệp an toàn.
Mục tiêu của truyền máu trong tử cung là khắc phục tình trạng thiếu hồng cầu, giúp thai phát triển bình thường và kéo dài thai kỳ đến gần đủ tháng hoặc đủ trưởng thành phổi để có thể sinh ra an toàn.
Truyền máu giúp khắc phục tình trạng thiếu máu thai nhi và hỗ trợ thai phát triển
3. Truyền máu sau sinh
Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh cũng có thể cần được truyền máu tiếp tục để bù lại lượng hồng cầu bị thiếu hụt trong giai đoạn đầu và giúp phục hồi chức năng tạo máu của cơ thể.
4. Tỷ lệ thành công và nguy cơ
Trước khi có kỹ thuật truyền máu trong tử cung, hơn 90% thai nhi bị phù thai do thiếu máu sẽ tử vong trong tử cung. Ngày nay, tỷ lệ sống sót sau IUT đã vượt 90% nếu được thực hiện đúng thời điểm và bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Tuy nhiên, đây là thủ thuật xâm lấn nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ:
- Vỡ màng ối, sinh non.
- Xuất huyết tại vị trí chọc nhiễm trùng.
- Thai nhi tử vong (tỷ lệ thấp chỉ khoảng 1 – 2%).
- Tăng nguy cơ biến chứng nếu truyền máu nhiều lần.
Kết luận
Thai bị thiếu máu chỉ được phát hiện qua siêu âm và thăm khám. Bạn có biết rằng tỷ lệ thành công điều trị thiếu máu bào thai hiện nay đã lên tới 95%? Trung tâm Y học bào thai – Bệnh viện Đại học Phenikaa (PhenikaaMec) là địa chỉ uy tín, với đội ngũ chuyên gia can thiệp bào thai hàng đầu cả nước sẽ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời.
PhenikaaMec có hệ thống trang thiết bị hiện đại, quy trình theo dõi thai kỳ chuẩn quốc tế, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa khoa Sản, khoa Nhi và đơn vị Hồi sức sơ sinh sẽ đảm bảo chăm sóc toàn diện cho mẹ và bé ngay khi chào đời. Mẹ hãy liên hệ ngay hotline: 1900 886648 để được tư vấn miễn phí các gói khám thai sản, gói đi sinh tiết kiệm chi phí nhất.